Sống ảo với Mù Cu – Đảo Lý Sơn

0
796

Không rõ đã có cuộc bầu bán nào chưa, nhưng luôn nghe ca tụng một trong những địa điểm “sống ảo” được giới trẻ Việt Nam yêu thích nhất hiện nay, là Mù Cu. Ra Lý Sơn lần này, tôi lại muốn một lần sống thật với Mù Cu…

Để đi tìm cây mù cu đã “mất tích” lâu rồi. Tìm một hòn đảo Mù Cu cổ tích nay chỉ còn trong lời kể. Một Mù Cu khác dẫu cả triệu người đã vượt sóng ra đến đây, nhưng có lẽ chỉ dân đảo mới biết.

Là những doi cát trắng mịn lắp xắp dưới làn nước xanh trong, bên trên lững lờ từng đám rong mơ, cỏ biển đổi màu sắc từng giờ. Trên đó có rừng mù cu mọc tràn trên đá, um tùm phủ xanh đảo nhỏ. Sáng chiều xăn quần lội ra ngồi trên đảo Mù Cu buông câu. Những con tôm hùm bằng cổ tay bơi lội vào chơi giỡn sát bờ đá. Rồi cua đá, cua xanh, cua gành, cua ghẹ cũng tung tăng. Cá mú, cá trích bơi lượn lờ, cá bè con tới cả chục ký…

Một đảo nhỏ cổ tích chưa từng được hiện ra dưới những ống kính kỹ thuật số hay cánh bay flycam. Giờ chỉ còn biết rằng Mù Cu là mũi nhô ra xa nhất đảo Lý Sơn về hướng đông. Là điểm đón ánh bình minh đầu tiên và tuyệt vời nhất trên đảo Lý Sơn và cả nước. Nơi mỗi năm ra đời hàng triệu bức ảnh “sống ảo” kỳ thú. Ảo diệu ánh bình minh trên thềm phún thạch núi lửa đen tuyền dập dờn sóng biển… Nhưng bao vây quanh nó là một hiện trường trần trụi, hầu như đã bị cắt cúp khỏi những bức ảnh đẹp một cách thần tiên. Vậy mà đã hấp dẫn đến thế rồi, làm thổn thức những ai chưa được đặt chân tới…

Người đầu tiên trên đảo chở tôi đi tìm cây mù cu, có tên là Nguyễn Thành Long. Lúc tàu mới cập cảng Lý Sơn, khi nghe ông xe ôm ấy xưng tên tôi hơi giật mình. Bởi lâu rồi quá ám ảnh với truyện ngắn mà tôi cho rằng nó thiên về bút ký nhiều hơn, là “Lý Sơn mùa tỏi” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Tác phẩm viết hay nhất về Lý Sơn cho đến nay, dẫu đã qua hơn bốn chục năm.

Ông xe ôm tên Nguyễn Thành Long ấy người làng còn gọi với cái tên ông Là, 59 tuổi nhà ở khu dân cư số 5 xã An Vĩnh. Đảo có hai xã. An Vĩnh đầu đảo, phía tây, nơi có bến cảng, chợ huyện, nơi tập trung các cơ quan ban ngành của huyện. An Hải ở cuối đảo, phía đông, nơi ấy chỉ có sóng gió, những cây bàng vuông khổng lồ, và hòn Mù Cu. Cây mù cu được lấy tên làm tên đảo nhỏ ấy là cây gì, té ra ngay cả đến ông Long cũng bảo nghe quen quen, gặp đâu đó rồi nhưng không nhớ rõ mặt mũi ra sao! Nói gì khách phương xa. Đến giờ này, tôi cũng chưa thấy một người nào viết về cây mù cu.

Sống ảo với Mù Cu - ảnh 1

Chiếc xe máy lọc xọc của ông Long chở tôi về An Hải. Biển bắt đầu động, gió săn lại rít lên đầu sóng trắng xóa xô dồn bên cạnh. Đài hồi sáng vừa thông báo lại thêm đợt không khí lạnh kéo dài… Ông Long thời thanh niên theo nghề đánh cá, sau đi bộ đội chiến trường K, rồi lại về đảo đánh cá. Nay sức yếu, chuyển sang chạy xe ôm từ hồi tháng 3 năm ngoái.

Ngang qua một khối núi đẹp kỳ lạ chạy sát ven con đường bê tông, ông Long bảo đó là Hang Cò, nơi cò thường về đậu. Nhìn lại, thấy đúng là một cái hang như khối gỗ hóa thạch khổng lồ nửa phần nổi lên mặt đất có vân có thớ màu nâu dài mấy trăm thước chạy bên biển. Người đàn ông Lý Sơn ngoái đầu kể tôi nghe về cò. Cuối mùa thu cò trắng từ đâu bay về đậu từng đàn. Từ đây chốc chốc chúng lại bay ra vờn sát mặt biển, bắt cá. Tôi cãi, hay là ông lộn với chim bói cá, ông bảo không, đúng là cò. Cò ban đầu có lẽ theo thuyền bè ra đảo, rồi sinh sôi.

Hang Cò bây giờ bị con đường bê tông ven biển đắp cao lên chắn mất, chỉ còn hé phần cửa hang nhỏ xíu sát mặt đất. Mấy năm trước một quán lá mang tên Hang Cò còn án ngữ ngay miệng hang nhậu nhẹt, nay bị buộc tháo dỡ để lại cái nền xi măng cùng cỏ rác.

Lại nhớ chuyện với ông Ba Lý buổi chiều sau khi từ An Hải về, về mù cu và cò. Lão gù Trần Văn Lý, 68 tuổi, thời thiếu niên 15 tuổi đã theo cha đi dọn đá Lý Sơn, lấn biển. Thời ấy đất đai đâu được rộng rãi như bây giờ, phải đào bẩy, xeo nạy đá đi nơi khác nhường đất trồng tỏi. Tảng đá hôm ấy nặng đến nỗi chỉ sau một tiếng “rắc”, sống lưng của cậu thiếu niên bị trụt xuống. Rồi sưng cục phía sau, thành ra “gù” vĩnh viễn. Chuyện về kỳ nhân này, tôi sẽ dành kể vào dịp khác.

Với Mù Cu, lão Ba Lý tỏ ra rành rẽ. Mù Cu ngày ấy như là một hòn đảo mồ côi. Trên ấy chỉ có cây mù cu. Và cả Lý Sơn này, mù cu cũng chỉ mọc ở chính chỗ này. Người làng lấy tên cây đặt cho tên hòn không rõ từ khi nào. Trên bản đồ địa lý bây giờ vẫn ghi Lý Sơn gồm hai đảo (đảo Lớn, đảo Bé) và một hòn, là Mù Cu. Thôn Đông có hòn, thôn Tây có hang. Nhưng người hai thôn xưa kia do phong thổ sao đó mà ít khi “chịu miếng” nhau, con cái yêu nhau cha mẹ hai bên có khi không cho cưới. Đến khi cò về, “có cu có cò”, thế là huề !

Sống ảo với Mù Cu - ảnh 3

Ông Trần Dự, 67 tuổi, trưởng tộc Trần (phái Nhất) ở thôn Đông, An Hải ngồi hoài niệm về một nơi chốn như cổ tích. Vì gần bờ quá nên cũng không có ai dựng nhà dựng lều chi trên đấy. Thời ấy ông cùng lũ bạn xăn quần lội ra Mù Cu ngồi buông câu, thời đó câu bằng ống quấn. Ông kể quấn quýt tung tăng xung quanh là những chú tôm hùm bằng cổ tay, rồi những cua những ghẹ. Cá mú, cá trích cũng bơi lượn lờ, cá bè con tới cả chục ký… Giờ đánh bắt, rồi xung điện, làm gì còn con nào.

Bô lão Nguyễn Sung, nhà ở thôn Đông, An Hải nhìn ra hòn Mù Cu. Tuổi đã 87 rồi mà vóc dáng vẫn nhẹ nhõm, quắc thước. Chôn nhau cắt rốn nơi đây, chỉ nhìn gốc bàng vuông cổ thụ lâu năm nhất đảo bốn năm người ôm không xuể tỏa bóng khắp khu vườn cũng đủ tin để tin ông lão là kho trí ký ức của làng, của đảo.

Ông kể Mù Cu xưa thực sự như một đảo nhỏ, dẫu không có người ở. Ngày rằm, ba mươi hàng tháng nước cạn có thể từ bờ lội bộ ra. Trên đó có rừng mù cu mọc trên đá, thành từng bụi um tùm phủ xanh đảo nhỏ. Dưới làn nước biển là những doi cát trắng, trên là đá đen với mù cu xanh ngắt, “xinh lắm”.

Sau 1975, nhiều người bắt đầu phá rừng mù cu lấy củi. Nhưng mù cu vẫn còn nhiều. Rồi sau này là dự án xây kè, làm âu thuyền, tan nát không còn cây nào. Dẫn ra Mù Cu bây giờ là con đường bê tông sừng sừng cao gần 3 mét dài hơn 300 mét. Áp sát phía ngoài là hàng vạn khối bê tông dị hình đúc sẵn 4 chấu trắng nhởn chồng chất lên nhau mà giới chuyên môn gọi là những “con giống tetrapod”. Xung quanh là đại công trình xây dựng và mở rộng âu thuyền Lý Sơn. Ngổn ngang đất đá bê tông, đào bờ xúc biển quây chặn… Nhô lên cuối con đường bê tông là cây đèn biển nhỏ, bỗng trở thành cột mốc giúp mọi người định vị được Mù Cu. Chút hơi ấm gợi ra từ cái màu sơn đỏ viền trắng đã gỉ sét bong tróc nhiều.

Trên nền những tảng đá núi lửa đen tuyền, mùa này còn loi thoi vài vạt muống, đôi dây sam biển, cùng lùm cây dại cuối cùng sót lại điểm xuyết cho Mù Cu chút màu xanh. Mùa biển động, bãi vắng tanh. Tôi để ý một bóng đàn ông đang ngụp lặn phía xa. Khi bóng người bước lên bờ, nhận ra đó là một ngư dân trẻ đầu đeo kính lặn, vai khoác chùm lưới nhỏ, co ro vì vừa ngâm mình dưới biển. Ngư dân nói tên là Dương Hồng Sơn, 33 tuổi nhà ở khu dân cư 6 An Hải. Lục cái bao đựng gạo màu vàng trên tay Sơn, rồi xem qua mẻ lưới, thấy chừng chục con cá mó nhỏ bằng mấy ngón tay.

Tôi ghé vào Motel Hoa Biển nằm trong ngõ nhỏ đối diện nhà bô lão Nguyễn Sung. Motel, cái hình thức nhà nghỉ dành cho cánh tài xế đường dài, dân mô tô đi phượt, xuất xứ từ Mỹ nay dần trở nên quen thuộc với làng chài nơi hải đảo này. Mưa gió lạnh lẽo, ông chủ Trương Tuyển đang ngồi nhà.

Rót nước mời khách lạ, người đàn ông 54 tuổi thuộc dòng họ 16 đời sống tại Mù Cu này kể, năm 2009, ông là người đầu tiên trên đảo Lý Sơn xây khách sạn. Bởi vị trí nhà ông nhìn ra Mù Cu quá lý tưởng. Bởi ánh bình minh tinh khiết nơi này quá ám ảnh. Khách du lịch tìm đến càng lúc càng đông, chật hết đường làng ngõ xóm. Biết ông cũng là người mê chụp ảnh, nhiều người hối thúc ông nên đầu tư nơi nghỉ cho khách và khỏi để uổng phí cái “view” thiên nhiên có một không hai của mình. Ông bảo ông phải cám ơn họ vì điều đó.

Hoa muống biển ở Mù Cu

Khách đến ở lại Hoa Biển chủ yếu để chờ săn cảnh bình minh Mù Cu. Nhiều trong số đó là những cặp đôi sắp cưới, thuê cả ekip chụp ảnh đi theo. Bình minh Mù Cu mùa hè lúc 4h30 sáng, mùa đông muộn hơn khoảng độ 6 giờ. Nên làng chài từ nhiều năm nay từ lúc mờ tối đã ồn ào tiếng người rủ nhau ra bãi đón bình minh. Nhưng rồi ông buồn khi nghe khách than phiền. Vì khung cảnh xung quanh cứ xấu dần. Vì đường xuống bãi đến giờ cũng không có. Khiến du khách muốn xuống phải liều mạng trèo qua những “con tetrapop” 4 chấu bằng bê tông trơn trượt. Nhiều cú sẩy chân u đầu sứt trán. Có đôi chụp ảnh cưới nọ váy víu lụng thụng lúc dìu nhau xuống bị ngã vỡ đầu, ông phải lấy xe chở đi cấp cứu.

Trong vườn nhà bô lão Nguyễn Sung, tôi đã tìm thấy những cây mù cu. Chúng được trồng trong chậu cảnh. Dù chỉ trồng bằng cách chiết cành, nhưng sau gần chục năm, bộ rễ và thân cây mù cu về thế về dáng, độ rêu mốc nhìn gần như những gốc cổ thụ.

Những hạt giống mù cu đầu tiên được sóng biển thuở xa xưa tấp vào thềm đá đen núi lửa Mù Cu để vươn lên xanh tốt, bền bỉ. Nay mù cu đã không còn hiện diện ngoài đất đá tự nhiên nữa.

Hoa mù cu có cánh nhỏ xíu, trắng muốt tinh khôi. Hoa ra vào mùa Xuân, mùa êm gió. Trái mù cu cũng nhỏ li ti, có thể ươm trồng được. Cụ Sung bảo, trồng trong chậu rồi, mù cu dần quen với nước ngọt, nhưng vẫn thèm nước biển. Nên cụ thường mang nước biển về tưới. Thèm một ngày, mù cu lại trở về mọc tràn bờ bãi Mù Cu…

(Ký sự của Trần Tuấn)

Đánh giá post