‘Ông đồ Hoàng Sa’ duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn

0
883

Trước khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 85, nghệ nhân Võ Hiển Đạt (huyện đảo Lý Sơn) vẫn đau đáu sưu tầm tư liệu, góp phần bảo tồn quần thể di tích Hải đội Hoàng Sa cho đời sau.

Các bậc cao niên ở huyện đảo Lý Sơn từng ví ông Võ Hiển Đạt là “bảo tàng sống” trên quê hương Hải đội Hoàng Sa. Ngoài vốn chữ Hán uyên thâm, ông còn phát hiện nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Mô hình thuyền rồng trong Lễ khao lề Hoàng Sa thuở xưa được ông Đạt sưu tầm ghi chép, vẽ lại tỉ mỉ lưu lại cho đời sau.

Khinh thuyền Hoàng Sa được ông Đồ phục dựng giống nguyên mẫu thuở trước giới thiệu khách tham quan ở huyện đảo Lý Sơn.

Những lúc thư nhàn, ông phiên dịch rồi viết tay cả cuốn Kinh Thi, tự soạn “Gia lễ tổng hợp” (liễn đối, hoành phi, tang tế, hôn lễ..) dày hơn 500 trang. Nhiều câu liễn đối có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân đội hùng binh Hoàng Sa của ông được các tộc họ mời chạm khắc trên đình làng, nhà thờ họ như là “thông điệp” gửi lại đời sau. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân huyện đảo Lý Sơn hay đến nhà ông xin chữ đầu năm cầu may tài, lộc may mắn.

 

Ông Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ 4 của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, bộc bạch từ lâu, người dân trên đảo kính mến ông Đạt như người thầy, người cha. Ông có công rất lớn trong việc tu sửa, khôi phục, gìn giữ di tích của Hải đội Hoàng Sa trên đất đảo suốt nhiều năm qua. Phía sau cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, là biểu tượng hai cánh buồm vươn cao được ông Đạt chạm khắc tinh xảo với dòng chữ: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” (nghĩa là Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng) – Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, 1836.

Nhiều năm là thành viên trong Ban khánh tiết lo hương khói, trông nom di tích Âm Linh Tự, hơn ai hết ông Đạt am tường nhiều tư liệu quý, sử sách ghi chép công lao của bậc tiền nhân ra biển đông từ rất sớm để đo đạc hải trình, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tháng 2/2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn, trong đó có di tích Âm Linh Tự. Ông Đạt trải lòng về biển và câu chuyện liên tiếp bốn thế kỷ, nhiều thế hệ binh phu đảo Lý Sơn vâng mệnh triều đình dong thuyền ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ. Hôm đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau khi thắp nén nhang kính cẩn đã khoanh tay, lắng nghe nỗi lòng đau đáu khôn nguôi của ông Đạt về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Từ năm 1990 đến nay, ông Đạt đã phục dựng nhiều khinh thuyền Hoàng Sa phục vụ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cho các tộc họ trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và ở Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa. Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận nghệ nhân văn hóa dân gian ghi nhận ông Đạt đã dành trọn đời mình vì tình yêu biển đảo, góp phần to lớn bảo tồn di tích Hải đội Hoàng Sa.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tháng 3 âm lịch năm trước, người dân Lý Sơn và du khách vẫn còn lưu nhớ mãi bài văn tế của cụ Đạt: “Hỡi ơi, đất nước Việt Nam trải bao phen lao khổ. Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ. Chi hay sinh kề ký tử hề quy, ra đi có mấy người trở lại… Xả thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng, ngang dọc chí nam nhi. Phong ba dồn dập, tuyết sương chẳng quản, mưa nắng chẳng sờn, Hoàng Sa lãnh hải biển cả mênh mông”.

Ngày 19/2, hàng nghìn người dân tiễn đưa ông Võ Hiển Đạt – “ông đồ Hoàng Sa” duy nhất ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong suốt cuộc đời của mình, ông Đạt liên tục mày mò, nghiên cứu học tập chữ Hán, cần mẫn sưu tầm nhiều tư liệu quý về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Từ lâu, ông được người dân địa phương trìu mến gọi là “ông Đồ Hoàng Sa”.

Trao đổi với PV chiều 19/2,Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, nhận định ông Đạt là người sống rất mực thước, luôn sẵn sàng đem công sức của mình cống hiến cho huyện đảo Lý Sơn. Lúc nào ông cũng luôn tự hoàn thiện mình, ai góp ý kiến gì cũng sẵn sàng lắng nghe, sửa lại những điều thấy chưa hợp lý; luôn tự học, tự nghiên cứu tài liệu, sách vở mỗi ngày, nhất là trong kho sách, tài liệu chữ Hán, Nôm.

Tiến sĩ Vũ nhìn nhận, công lao lớn nhất của ông Đạt là trong suốt hơn 40 năm qua, nhất là khi di sản văn hóa cổ truyền được khuyến khích trùng tu, tôn tạo, phục hồi, trao truyền. Hầu hết di tích ở đảo Lý Sơn đều có bàn tay của ông góp vào như viết các hoành phi, liễn đối bằng Hán Nôm, vẽ các hoa văn, họa tiết; phục hồi các bài văn tế cổ, viết các bài văn tế mới…ở đình làng An Vĩnh, Âm Linh tự, các lăng Đông Hải, Nam Hải, các dinh Thiên Y A Na, chúa Ngọc…

Ông cũng là người có nhiều công sức trong việc phục dựng Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm linh tự và sau đó là tại đình làng An Vĩnh từ năm 2005 đến nay, bao gồm các nghi lễ, văn tế, thuyền lễ, hình nhân thế mạng. Ngoài ra, ông còn phục dựng mô hình thuyền câu, là loại thuyền mà các binh phu đi Hoàng Sa sử dụng hàng trăm năm trước và mô hình ghe bầu – phương tiện người ven biển miền Trung dùng đi buôn khắp Bắc Nam trước năm 1945.

Đánh giá post