Cứ vào những ngày cuối năm âm lịch, người dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) lại tất bật với cối bánh ít lá gai. Hàng trăm năm nay, bánh ít lá gai không thể thiếu trên mỗi mâm cỗ để dâng cúng tổ tiên trong 3 ngày tết với người dân trên đảo Lý Sơn khi tết đến, xuân về.
Bánh ít lá gai đã thể hiện nét văn hóa truyền thống của người dân đất đảo Lý Sơn, những chiếc bánh thơm ngon có mặt trong các lễ cúng của làng, đặc biệt trong chuyến biển đầu năm, bánh ít lá gai cũng là sản vật mà ngư dân mang theo để dâng cúng hương hồn tổ tiên ông bà đã nằm xuống trên quần đảo Hoàng Sa khi dong buồm ra khơi cắm mốc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Năm nào cũng làm bánh ít, trước là để cúng ông bà, tiếp đó là phiên biển đầu năm mới đem bánh ít ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa để cúng ơn trên gia hộ nhiều may mắn hơn năm cũ” – ngư dân Phùng Điều (xã An Hải) cho hay.
Những năm trước đây, người Lý Sơn thường làm bánh ít lá gai vào dịp rằm tháng bảy, để cúng tổ tiên, ông bà. Ngày nay, bánh ít đã trở thành một món quà dân dã, mang đậm chất văn hóa của vùng đất đảo xa xôi.