Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi còn khoảng 24 ngôi nhà cổ 150-200 năm tuổi, được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Mỗi ngôi nhà đều thấp thoáng bóng dáng của đội hùng binh canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa thuở nào
Đến Lý Sơn, thả mình vào không gian nhà cổ, trong lòng nhiều du khách bỗng bồi hồi, trỗi dậy tình yêu biển đảo thiêng liêng. Tuy phải thường xuyên đối mặt với những trận bão tố, phong ba nhưng những ngôi nhà cổ trên đảo vẫn sừng sững hiên ngang như binh thuyền của đội Hoàng Sa thuở trước vượt qua muôn trùng biển khơi để đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thực thi nhiệm vụ.
Báu vật của tiền nhân
Theo ông Dương Định – hậu duệ đời thứ 7 của gia tộc Dương ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn – chủ nhân ngôi nhà cổ trên 150 năm tuổi, hầu hết nhà cổ ở đảo là nhà thờ của các tộc họ gắn liền với sự tồn tại của đội hùng binh Hoàng Sa trước đây. “Từ những ngày đầu khai phá hòn đảo hoang sơ này, tiền nhân của chúng tôi đã mua gỗ, thuê thợ từ đất liền ra, làm nhà theo kiểu nhà rường đắp đất” – ông Định cho biết.
Nhà cổ trên đảo Lý Sơn có hệ thống cột, kèo “rau muống” chạm hình rồng hoặc đầu chim phụng và những hoành phi, câu đối chạm khắc công phu. Nhà rường (có nơi gọi là nhà mái) được đắp thêm một lớp đất giữa 2 mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp bên trong luôn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp lúc đông sang.
Kiểu thiết kế nhà rường vừa phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo vừa phòng tránh được hỏa hoạn. Nếu như ở những nơi khác, người xưa dùng đất đào ở chân ruộng trộn với rơm hay cây cau chẻ nhỏ rồi trét lên mái thì tại Lý Sơn, chất liệu này được thay thế bằng cây cỏ đế hoặc rơm chở từ đất liền ra.
“Để giữ được nguyên trạng cấu trúc ngôi nhà cổ của tiền nhân, mỗi năm, tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng tu sửa, chỉnh trang những chỗ hư hỏng. Là lớp con cháu hậu sinh nên chúng tôi luôn dặn nhau phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những gì ông bà để lại” – ông Định tâm sự.
Tại thôn Tây, xã An Vĩnh, cụ Võ Hiển Đạt, 85 tuổi, là chủ nhân ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi. Gắn bó với ngôi nhà này hơn 80 năm, cụ Đạt đã làm hết sức mình để gìn giữ, bảo tồn nó gần như nguyên vẹn. Toàn bộ ngôi nhà của cụ Đạt đều được làm bằng gỗ mít. Trong nhà trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối nêu công đức của các vị tiền hiền, có công khai phá đảo Lý Sơn và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cụ Đạt cho biết ngôi nhà này vừa là nơi để ở vừa là chỗ thờ tổ tiên và những người con của dòng họ năm xưa đã tham gia đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ngoài ngôi nhà, cụ Đạt còn lưu giữ nhiều đồ thờ cúng do tổ tiên để lại. “Với tôi, ngôi nhà là báu vật của tiền nhân. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở con cháu lưu tâm gìn giữ” – cụ thổ lộ.
Cũng ở thôn Tây, xã An Vĩnh, ngôi nhà của gia tộc Nguyễn xây dựng cách đây trên 200 năm được xem là cổ nhất tại Lý Sơn. Ngôi nhà được thiết kế 3 gian thờ cùng hàng chục gian cửa gỗ mít bản lồng. Hệ thống kèo, cột gắn kết chặt với nhau theo kiến trúc nhà rường phổ biến trên đảo, tạo cho ngôi nhà sự uy nghi, vững chắc.
Theo hậu duệ của gia tộc Nguyễn là ông Nguyễn Từ, 75 tuổi, chỉ riêng hệ thống cửa và hoành phi, liễn đối…, tiền nhân của dòng họ đã phải vào tận đất liền để mời thợ mộc Kim Bồng (Quảng Nam) và thợ chạm, cẩn xà cừ từ Thừa Thiên – Huế ra Lý Sơn để làm ròng rã hàng năm trời.
Nơi khẳng định chủ quyền
Khoảng 24 ngôi nhà cổ 150-200 năm tuổi ở Lý Sơn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, hầu hết đều được dùng làm nơi thờ cúng của các gia tộc. Hằng năm, tại những ngôi nhà này thường diễn ra lễ tế, tri ân công đức tổ tiên – những người đã giong buồm vượt muôn trùng sóng gió ra biển Đông để đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền theo lệnh triều Nguyễn năm xưa.
Ông Phạm Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết nhà cổ trên đảo xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII. “Nhà cổ Lý Sơn mang phong cách thuần Việt, theo lối kiến trúc miền Trung Trung Bộ. Các họa tiết, hoa văn chạm trổ tứ linh (long, lân, quy, phụng), thể hiện tín ngưỡng tâm linh văn hóa Việt nói chung và Trung Trung Bộ nói riêng” – ông nhìn nhận.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, một số nhà cổ trên đảo Lý Sơn còn mang kiến trúc cung đình Huế. “Nhà cổ ở Lý Sơn thiết kế rất độc đáo vì chịu được thời tiết khắc nghiệt, sóng gió triền miên trên đảo. Nhà cổ ở đây rất có giá trị về mặt lịch sử nên chúng tôi coi đó là một di sản hết sức quý báu của Lý Sơn” – ông Linh tự hào.
Theo ông Linh, có thể ví mỗi ngôi nhà cổ ở Lý Sơn như một bảo tàng sống. Những ngôi nhà này không chỉ thờ những người tham gia đội hùng binh Hoàng Sa mà còn lưu giữ nhiều tài liệu chữ Hán ghi chép những dấu tích hết sức giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là tờ lệnh ban hành ngày 15-4 năm Minh Mạng thứ 15, tức năm Giáp Ngọ 1834, điều động binh thuyền của các dòng họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành nhiệm vụ, lưu giữ trong ngôi nhà cổ của gia tộc Đặng ở xã An Hải.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ năm 2000, ngành văn hóa tỉnh đã tham mưu xây dựng đề án bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử gắn liền với đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. “Năm 2000, chúng tôi đã khánh thành đình làng An Vĩnh, tượng đài cũng như nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và một số ngôi mộ gió. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều di tích mà chúng ta chưa có điều kiện để trùng tu, tôn tạo, nhất là nhà thờ của các dòng họ” – ông Vũ băn khoăn.
Với những ngôi nhà cổ ở Lý Sơn, nhà thờ họ Võ Văn thờ vị cai đội nổi tiếng Võ Văn Khiết, nhà thờ cai đội lừng danh Phạm Quang Ảnh… chưa được trùng tu, hiện xuống cấp nghiêm trọng. “Chúng tôi đang xây dựng đề án để bảo tồn những ngôi nhà cổ này, đồng thời xin chủ trương xây dựng Bảo tàng Hoàng Sa – Trường Sa trên đảo Lý Sơn. Trong dự án hết sức quan trọng này, chúng tôi cũng đưa luôn những hạng mục công trình như tôn tạo các nhà thờ và di tích khác dọc theo bờ biển Quảng Ngãi” – ông Vũ tiết lộ.