Ai là người đầu tiên phát hiện ra sắc lệnh của Vua Minh Mạng phái các binh phu ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa? Câu hỏi này từ lâu không ai để ý, bởi người thực sự dịch tờ lệnh phái binh phu ra Hoàng Sa của Vua Minh Mạng, kỳ lạ thay lại sống ẩn dật trên đảo Lý Sơn của xứ Quảng. Đó là ông đồ già minh triết Dương Quỳnh…
Bởi một nỗi niềm riêng khó nói, cụ Quỳnh chôn chặt bí mật trong mình 10 năm, từ 1999 đến 2009, kể từ khi cụ cơ duyên tiếp xúc với tờ sắc lệnh quý ở nhà thờ họ Đặng trên đảo Lý Sơn, bây giờ nó là báu vật quốc gia. Cuộc đời cụ Dương Quỳnh kỳ lạ, thăng trầm như tờ lệnh mà mấy chục năm trước, cụ đã dịch.
“Của hiếm” ở Lý Sơn
Lần thứ 3, tôi vượt sóng ra đảo tiền tiêu Lý Sơn, thăm cụ Dương Quỳnh, một “minh triết Hoàng Sa” còn hiếm hoi sót lại trên đảo. Căn nhà của cụ Dương Quỳnh vẫn thế, thanh bình và tĩnh mịch. So với 4 năm trước – lần đầu tôi gặp và trò chuyện với cụ Quỳnh, thì giờ cụ đã yếu đi nhiều. Cũng phải, gần 100 tuổi chẵn, đi qua 2 cuộc chiến, sống qua 2 thế kỷ mà đến giờ tối tối cụ vẫn chong đèn đọc sách, dịch Hán tự thì hẳn là không phải người thường.
Căn phòng nhỏ của cụ Quỳnh chứa đầy sách đông tây kim cổ và các bài báo viết về Hoàng Sa, về ngư dân trên đảo Lý Sơn. Cụ cười, bảo phải luôn đọc sách để nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin thời sự. Ngoài sách, cụ còn thường xuyên vào mạng internet để đọc tin tức. Chiếc radio là vật bất ly thân của cụ. Gần 100 tuổi, dịch Hán văn, đọc sách cổ cụ vẫn chưa cần đeo kính.
Cụ Dương Quỳnh sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn, từ nhỏ đã tỏ rõ sự thông minh hiếu học, tiếng Pháp đọc làu làu. Sau này, chữ nho, Hán văn với cụ như là lẽ sống. Là thầy giáo ở đảo, cụ được người dân kính trọng. Biến cố thời cuộc, năm 1975 cụ nghỉ hưu, chuyên tâm vào việc sưu tầm sách cổ và tìm đến các tộc họ để giúp dịch gia phả. Từ đó, cụ phát hiện được nhiều báu vật quốc gia còn lưu lạc trong nhân gian, trên hòn đảo này. Năm 1979, trong một lần dịch gia phả tộc họ Nguyễn, cụ phát hiện những tờ khế quan trọng bằng chữ Hán. Đó chính là khế bán đất của tộc họ Nguyễn để lo chuyện sắm thuyền, lương thực cho binh phu ra Hoàng Sa. Khế có đoạn: “Tổ nghiệp tộc Nguyễn tại Cù Lao Ré xứ An Vĩnh phường có thửa đất còn lưu lại. Nay, con cháu có giấy lệnh xuất đi Hoàng Sa làm việc công nhưng thiếu thốn. Hương chức họp lại, quyết định bán đất tổ nghiệp để lo chuyện cúng lễ, sắm thuyền lương thực đi Hoàng Sa. Đất được bán cho ông Cai Hiệp Thắng, thời giá 1 trăm 5 quan tiền…”.
Cụ Quỳnh kể, cụ dịch tất thảy gia phả, sắc lệnh, giấy tờ… của 7 tộc họ trên đảo Lý Sơn mà chỉ còn tộc Đặng là có sắc lệnh, tộc Nguyễn có giấy họp hương chức bán đất, còn lại mất cả. “Năm đó, tức 1979, dân Lý Sơn chứng kiến một người, tự xưng là nhà báo gì đó ở nước ngoài, người Trung Quốc đi thu gom và lùng mua hết các sắc lệnh, giấy tờ liên quan Hoàng Sa. Tôi đã linh cảm có chuyện không lành. May mắn thay, tộc họ Đặng vẫn còn giữ được”.
Cụ Quỳnh có tất cả 11 người con. Con cháu cụ giờ thành đạt ở khắp nơi, từ Quảng Ngãi đến TP.HCM. Cụ vẫn ở Lý Sơn với người cháu nội làm nghề đi biển. Thường xuyên theo dõi tình hình biển Đông qua mạng internet và radio, cụ Quỳnh tỏ vẻ tâm đắc: Ta xử sự vậy là đúng, chuyện Hoàng Sa không thể ngày một ngày hai mà thành được.
Tôi hỏi, tâm trạng cụ thế nào khi cầm sắc lệnh có dấu mộc đỏ của Vua Minh Mạng ở nhà họ Đặng, cụ chỉ khẽ bảo: Giật mình thảng thốt nhưng rồi nghĩ lại, cũng là hợp lý. Câu chuyện hùng binh Lý Sơn đi Hoàng Sa truyền miệng hàng trăm năm nay, chắc chắn là có thật và ở Lý Sơn, phải có cái gì đó lưu lại làm bằng chứng. Đó chính là một trong những chứng cứ hùng hồn để tin rằng, Hoàng Sa đã, đang và mãi mãi là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, là tài sản vô giá mà tổ tiên, cha ông ta để lại.
Cơ duyên với gia tộc họ Đặng
Đời cụ Dương Quỳnh đã thăng trầm, chuyện dịch tờ lệnh Hoàng Sa còn ly kỳ hơn.
“Dịch tờ lệnh Hoàng Sa, đó là một cơ duyên tiền định với nhà họ Đặng, đến giờ tôi vẫn thấy đó như là một sự sắp đặt của lịch sử. Không ai cắt nghĩa được” – cụ nói. Cùng ở trên đảo Lý Sơn, nhưng cụ Quỳnh gần như chưa bao giờ tới thăm nhà cũng như trao đổi gì với tộc họ Đặng – một họ nổi tiếng trên đảo. Mấy chục năm trước, cụ Quỳnh đã nổi tiếng thông tuệ Hán văn, thường được các tộc họ trên đảo đến nhờ dịch gia phả. Vô duyên khi ở cùng nhau trên đảo, nhưng vào đất liền, lưu lạc tận miền Nam, cụ Dương Quỳnh lại đến với tộc họ Đặng một cách tình cờ. Năm 1982, cụ Quỳnh cùng cả nhà rời đảo vào đất Long Thành (Đồng Nai) làm kinh tế mới. Ở đó, cụ gặp và lại một người học trò từng học tại nhà ở Lý Sơn khi xưa, tên Đặng Như Tri – bây giờ là sư thầy Thích Giải Thiện ở chùa Huệ Minh. Đôi bên qua lại thăm nhau, cụ gặp anh trai của sư Thích Giải Thiện là ông Đặng Tôn, thành ra thân thiết. Bẵng mấy năm sau, thời gian này cụ cùng gia đình về lại Lý Sơn an cư, vẫn hay qua lại với ông Đặng Tôn, trà dư tửu hậu.
Năm 1999, đúng tháng 4, như thông lệ gia tộc, họ Đặng lại mở tàng thư dòng tộc, rải rác công bố từng phần. Ông Đặng Lên – cháu 6 đời của đà công Đặng Văn Siểm (người được nhắc đến trong sắc lệnh), kể: Gia tộc họ Đặng có một chiếc tráp, khóa cẩn thận. Chỉ người uy tín nhất trong tộc mới được giữ, cất vô cùng cẩn thận. Tháng 3.1979, có một người xưng của nhà nước đến gom hết gia phả, sắc lệnh của 13 tộc họ trên đảo. 12 tộc họ nộp, riêng tộc họ Đặng, bởi một lời dặn của ông nội tui là Đặng Văn Ngạc (mất năm 1939), rằng trong chiếc hộp có đồ vật rất quý giá, muốn mở hộp phải có đủ chức sắc trong tộc, 20 năm mở một lần vào những năm lẻ, có đuôi số 9.
Năm 1999, cụ Quỳnh được ông Đặng Tôn mời đến, trước sự chứng kiến của gia tộc, dịch tiếp một phần gia phả và các loại giấy tờ đọc trong tráp. “Lẫn trong giấy tờ, tôi thấy có một tờ lệnh, đóng mộc đỏ thời Vua Minh Mạng, lại thấy nhắc đến Hoàng Sa. Tôi biết ngay, đó là vật quý, là bảo ngọc quốc gia”.
Ngay đêm đó, cụ Quỳnh ngồi trước án hương tộc Đặng, dưới ánh đèn mờ tỏ, rành rọt phiên âm và dịch nghĩa của tờ sắc lệnh. Sau đó, cụ viết lại cẩn thận, dặn họ Đặng: “Cái này rất quan trọng, ảnh hưởng đến sinh mệnh, cương thổ quốc gia, có thể là một bằng chứng vô cùng quan trọng sau này. Phải giữ gìn cẩn mật”. Những chức sắc trong tộc Đặng như ông Đặng Tôn, Đặng Lên… khi biết tổ tiên của mình là ông Đặng Văn Siểm, là đà công được vua sai đi làm nhiệm vụ Hoàng Sa, tự hào lắm, ngày đêm đau đáu cẩn mật giữ vật quý. Học cũng hết sức cảm kích cụ Dương Quỳnh đã giúp biết thông tin quan trọng ấy.
Cụ Dương Quỳnh nhớ lại, kể từ năm 1999, khi biết có báu vật trên đảo, cụ lại phải dặn lòng, chuyên cơ mật quan trọng không được tiết lộ. Một người từng trải trước biến cố cuộc đời, cụ hiểu, điều gì nên nói và nói lúc nào. “Nhưng tôi biết, rồi sẽ có một ngày quốc gia cần đến nó”. Quả thật, tiên đoán của cụ Quỳnh không sai.
Năm 2009, họ Đặng trình lên huyện, rồi huyện thông báo cho tỉnh, TS Nguyễn Đăng Vũ lặn lội ra Lý Sơn, rồi các bộ, ban ngành… cùng vào cuộc. Sắc lệnh được đem vào đất liền sau đó…
Kể lại chuyện cũ, trong bóng tối, cụ Quỳnh mỉm cười mãn nguyện.