Ngôi nhà cổ đặc biệt nhất đảo Lý Sơn không chỉ độc đáo về kiến trúc mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Trong số hàng chục ngôi nhà cổ ở đảo tiền tiêu Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nhà thờ họ Phạm Văn(thôn Đông, xã An Vĩnh) không chỉ độc đáo về kiến trúc mà còn mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Ngôi nhà cổ đặc biệt nhất đảo Lý Sơn này được xây dựng từ cách đây trên dưới 200 năm, xây dựng theo lối kiến trúc “nhà rường đắp đất” phổ biến ở đảo Lý Sơn với 5 gian 2 chái.
Các ngôi nhà rường đắp đất được xây dựng theo phong cách nhà rường truyền thống ở miền Trung, có đắp thêm một lớp đất giữa hai mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp ngôi nhà luôn thoáng đãng vào mùa hè và ấm hơn trong mùa đông.
Trải qua quá trình tu sửa cách đây khoảng 100 năm, ngôi nhà khung gỗ được xây thêm hàng hiên bằng bê tông vững chắc mang ảnh hưởng kiến trúc phương Tây ở mặt tiền.
Các hoạ tiết, hoa văn của ngôi nhà thể hiện tín ngưỡng tâm linh văn hóa Việt với hình tượng tứ linh. Nhà thờ họ Phạm Văn ở đảo Lý Sơn là nơi thờ tự Cai đội thủy quân Phạm Hữu Nhật cùng các tiền nhân họ Phạm Văn – dòng họ có vai trò quan trọng trong công cuộc khai phá đảo Lý Sơn và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo sử nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều đình cử suất đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật chỉ huy 70 suất đinh là những dân binh trên đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa đo đạc hải trình, thu lượm sản vật, cắm mốc, dựng bia chủ quyền.
Năm 1854, Cai đội Phạm Hữu Nhật lại vâng mệnh chỉ huy dân binh Lý Sơn ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lần này họ đã không trở về. Gia đình và họ tộc đã an táng ông, cùng các đồng đội, bằng mộ chiêu hồn tại thôn Đông, xã An Vĩnh, bên cạnh mộ Ngài Thủy tổ họ Phạm Văn.
Vào ngày 19/2 Âm lịch hàng năm, dòng họ Phạm Văn lại tổ chức khao lề thế lính đội Hoàng Sa đồng thời với lễ tế xuân ờ nhà thờ họ.
Ngày nay, nhà thờ họ Phạm Văn là một điểm tham quan nhiều ý nghĩa đối với du khách khi đến với đảo tiền tiêu Lý Sơn.