Ở Lý Sơn có khá nhiều các di tích lịch sử văn hóa cũng như các điểm tâm linh. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Lý Sơn bạn có thể đến các điểm sau:
Chùa Hang
Chùa Hang nằm ở phía Đông bắc núi Thới Lới. Người xưa đã tận dụng hang động nằm sâu trong lòng núi, sát bên bờ biển, để tạo dựng cảnh chùa. Đứng từ xa quan sát, người ta không thể biết được trong động có một kiến trúc được gọi là chùa Hang mà chỉ nhìn thấy tán lá của những cây bàng biển cổ thụ, tuổi của chúng cũng xấp xỉ với ngày ra đời của chùa Hang. Đường lên chùa Hang cheo leo bám theo mép biển, qua nhiều bậc đá đã được tay người đẽo gọt.
Để ra vào chùa Hang, duy nhất chỉ có một cửa ở phía bên phải động, hang rộng chừng 20m, có chiều sâu khoảng 24m, chỗ cao nhất của hang cũng chỉ hơn 3m. Trong không gian đó là các tượng phật như một điểm tâm linh của huyện đảo Lý Sơn.
Giếng Xó La
Ngoài tên gọi Xó La, giếng nước này còn có các tên gọi: Giếng Vua, giếng Vương, giếng Vuông, giếng Gia Long, giếng Tiên, giếng Thầy Tu… Mỗi tên gọi đều gắn với một câu chuyện lưu truyền trong dân gian hư hư, thực thực. Giếng nước đặc biệt này được cho là của người Chăm làm nên, vào những ngày nắng nóng nước giếng này không bao giờ cạn, và dù các giếng khác trên đảo Lý Sơn bị nhiễm mặn thì nước giếng ở Giếng Xó La vẫn không bị mặn xâm lấn.
Giếng Xó La có chiều sâu chừng 10m, thành giếng xây đá ong, trát xi măng, cao 1,5m. Lòng giếng hình tròn, được kè bằng đá cuội, đá núi lửa, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở đều để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng. Trước đây đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lớn chèn xung quanh, nhưng về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá.
Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5m – 7m, nhưng nước giếng luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng ăn ngon nhất, có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo.
Dinh Đụn và cây Đa sộp, cây Di sản Việt Nam
Dinh Đụn Lý Sơn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương – nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm – Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa.
Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.
Ngay bên ngoài Dinh Đụn là một cây đa hơn 200 năm tuổi. Tháng 7 năm 2014, cây đa này đã được gắn bia cây Di sản Việt Nam.
Chùa Đục
Chùa Đục nằm gần kề miệng núi Giếng Tiền. Đây là một ngọn núi nằm ở phía tây của đảo, có miệng núi lửa đã tắt, xây cửa về hướng bắc. Bên trong miệng núi lửa hình thành như một cao nguyên hình lòng chảo, rộng chừng 20ha.
Chùa Đục cách cổng tò vò một đoạn rất ngắn và có tên chữ là Đỉnh Liêm Tự. Quần thể thắng cảnh tâm linh này bao gồm cổng chùa, Quan Âm Đài, 139 bậc thang, và chùa Đục toạ trong hang trên sườn núi Giếng Tiền.
Chùa Đục bao gồm 3 động đá lớn nhỏ khác nhau. Động thứ nhất có dung tích chừng 65m3, chính giữa và hai bên là bàn thờ Phật. Ở chính giữa thờ Phật Tổ Như Lai, phía bên trái thờ Địa Tạng Bồ tát, bên phải thờ trụ trì đầu tiên của chùa. Ngoài ra còn có tượng Phật tổ Như Lai nằm.
Động thứ hai (phía đông) có dung tích chừng 15m3, cũng có bàn thờ Tam Thế Phật. Phía tây là động thứ 3, dung tích chừng 8m3, gọi là Thạch động Viên Giác thiền. Gần kề đó là nhà trai của các sư và tín đồ. Chùa có hiên và sân rộng chừng 20m2.
Tượng đài Hoàng Sa Bắc Hải
Tại sân tiền sảnh, tượng đài kỳ vĩ án ngữ trước nhà lưu niệm – đây chính là biểu tượng của quê hương Hải đội Hoàng Sa. Tượng đài đề tên “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” và đây là công trình được khánh thành vào năm 2010. Tượng cao hơn 4 mét, khắc họa 3 chân dung: Vị đứng chính giữa là cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, một người cầm giáo, một người vác lưới trên tay. Đó chính là những đại diện của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Mặt sau tượng đài có dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, có nghĩa là: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng. Dòng chữ này được trích trong sách Đại Nam thực lục chính biên triều Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân – 1836.
Phía sau tượng đài là “Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải” cũng được khánh thành vào năm 2010. Bên trong nhà lưu niệm đã tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với các hiện vật như xơ đay (dùng để sửa chữa khi tàu thuyền bị hỏng), lu đựng nước. Đặc biệt là mô hình thuyền câu, phương tiện đi biển của đội Hoàng Sa do nghệ nhân Võ Hiển Đạt phục dựng.
Bên cạnh những di vật mang tính lịch sử, nhà lưu niệm còn trưng bày nhiều bản đồ khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.