“Mâm cát làng An Hải” nay là bến tàu thuyền Sa Kỳ- Lý Sơn. Ở Bình Châu xưa có thắng cảnh An Hải sa bàn, tức “mâm cát làng An Hải”. Đây là một trong 12 danh lam thắng cảnh của Quảng Ngãi. Mặc dù, di tích không còn, nhưng đến nơi đây hỏi về “mâm cát làng An Hải”, người già trong làng đều có thể kể rành rọt.
Xã biển Bình Châu (Bình Sơn) có những di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Nơi đây luôn vẫy gọi du khách thập phương.
Đến vùng biển Sa Kỳ – Bình Châu điểm đầu tiên bạn nên đặt chân đến là Di tích lịch sử địa đạo Đám Toái. Từ ngã tư gần trụ sở UBND xã Bình Châu, theo con đường nhựa xuôi về hướng đông, đi qua những mái nhà nằm bên mép biển là đến khu vực địa đạo.
Nơi đây, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng đặt Trạm phẫu thuật tiền phương (A100) của Tỉnh đội Quảng Ngãi. Nhiều thương binh trên các chiến trường đông Bình Sơn, Sơn Tịnh được chuyển về đây để cứu chữa. Trong một trận càn, quân đội Mỹ phát hiện địa đạo, chúng bắt loa kêu gọi đầu hàng, nhưng các y, bác sĩ, thương bệnh binh không hề khuất phục. Địch đã dùng mìn đánh sập địa đạo. Tất cả y, bác sĩ, thương bệnh binh đã hy sinh. Sau chiến tranh, hài cốt các liệt sĩ trong địa đạo Đám Toái được đưa về nghĩa trang liệt sĩ an táng.
Năm 1991, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Sau đó, địa đạo được phục dựng và trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Từ địa đạo Đám Toái đi tiếp một đoạn là đến mũi Ba Làng An. Đứng trên khu vực biển mùa này gió thổi lồng lộng. Từ đây, phóng tầm mắt về phía nam hay nhìn về phía bắc đều thấy núi nhô ra biển. Theo khảo sát của các chuyên gia, tại đây có dấu tích của miệng núi lửa với những cột đá balad và đá bazan độc đáo.
Nằm dưới những cây bàng vuông xanh rì rào trong gió biển là những hàng quán, nơi mà bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn, như ốc hấp chấm muối tiêu, cá tươi luộc quấn bánh tráng chấm nước mắm…
Về chiều, khi nước thủy triều xuống, bạn có thể dạo chơi, chụp ảnh nơi gành đá, tha hồ ngắm nhìn những con sóng bạc đầu từ ngoài khơi xô vào bờ tung bọt trắng xóa.
Bình Châu còn là “nghĩa địa tàu cổ”. Theo các chuyên gia khảo cổ thì tại Vũng Tàu xưa là nơi neo đậu của những thương thuyền trên hải trình từ Bắc vào Nam. Những rủi ro xảy ra ở vùng biển Vũng Tàu đã làm đắm những con tàu chở đầy vật dụng sinh hoạt. Theo thời gian, tàu đắm trở thành những con tàu cổ. Qua những đợt khai quật, các chuyên gia khảo cổ phát hiện trong những con tàu có khá nhiều bát, đĩa gốm sứ từ nhiều thế kỷ trước. Kể từ đây, cái tên “nghĩa địa tàu cổ” ở Bình Châu ra đời và đã hấp dẫn khách du lịch, lẫn các nhà nghiên cứu.
Theo Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân thì Bình Châu là một trong những vùng biển đẹp nhất Việt Nam, có sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi lửa xưa; biển và các di tích như “nghĩa địa tàu cổ”, cùng các phong tục tập quán của người Việt và người Chăm vẫn còn lưu giữ trên vùng đất này.
Bình Châu – một vùng di tích đang vẫy gọi!