Bàng vuông là loài cây thân gỗ thuộc họ bàng nhưng sống chủ yếu ở những vùng biển đảo có cát san hô và có hơi mặn của biển. Loài cây này chịu được điều kiện khắc nghiệt của gió bão và sức sống mãnh liệt. Tán rộng và lá dài, dầy, hoa nở về đêm rất đẹp lại có mùi hương thơm nhẹ nhàng. Bàng vuông thường được trồng để làm cây chắn sóng chắn gió và làm bóng mát, giữ cát chống sói lở và biển xâm thực.
Loài cây này có thể sống và phát triển tốt ở đất liền, trên núi nhưng vì không có điều kiện địa chất khí hậu phù hợp như cát san hô và hơi gió mặn của biển nên hiếm khi nó ra hoa và hoa không đẹp, đậm màu như ở đảo.
Cây bàng vuông ở các đảo của Việt Nam như Trường Sa, Hoàng Sa, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn… có nguồn gốc xa xưa từ Philipines do các cơn bão được tạo thành từ vùng biển phía đông của nước này quét qua mang theo những quả bàng vuông trôi dạ. Các hạt giống này từ đó mọc mầm sinh sôi ở các đảo Việt Nam như bây giờ.
Còn nói về cái tên bàng vuông thì có thể hiểu đơn giản là cây họ bàng nhưng quả có bốn cạnh nên gọi là bàng vuông. Người dân xưa ở Lý Sơn cũng như một số đảo của Việt Nam còn gọi với nhiều tên khác nhau theo từng địa phương nhưng cái tên bàng buông vẫn là phổ thông nhất.
Những hình ảnh được chụp từ khi hoa hé nụ đến khi nở hết và kết thành quả của cây bàng vuông trên đảo Lý Sơn:
Tháng 5 là mùa hoa bàng vuông nở ở Lý Sơn. Quả của loài cây này thuộc họ bàng nhưng có 4 cạnh nên được gọi là bàng vuông.