Về Lý Sơn, Nghe Tiếng Thiêng Trầm Hùng

0
736

Ở vị trí tiền đồn để đi ra quần đảo Hoàng Sa nhưng Lý Sơn giờ đây không còn xa xôi đối với người ở đất liền, chỉ mất 1 giờ đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ. Đến với Đảo Lý Sơn du khách sẽ được trải nghiệm tìm hiểu những chứng tích lịch sử, tiếp xúc với nét hiền hậu, chân chất của người dân đảo, khám phá những thắng cảnh kỳ thú của thiên nhiên, những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời và dĩ nhiên không thể thiếu những cánh đồng tỏi, sản vật nức tiếng của Lý Sơn.

Là một trong những hòn ngọc quý, xinh đẹp của Việt Nam, Lý Sơn được hình thành do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa, làm nên một bức tranh tuyệt đẹp. Đây còn là một bảo tàng sống động rất đáng ngạc nhiên của kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, các tín ngưỡng dân gian theo mùa, tục thờ cá Ông… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng chứng minh Hoàng Sa là một phần không thể tách rời của Việt Nam.

Lý Sơn – tiền đồn của Hoàng Sa

Lý Sơn, trước đây còn gọi là cù lao Ré, cách cảng Sa Kỳ khoảng 15 hải lý về phía đông bắc. Cùng với vùng cửa biển Sa Kỳ, Lý Sơn là một rẻo đất giữa đại dương đã từng dâng hiến biết bao trai tráng cho hải đội Hoàng Sa thuở nào.

Sử xưa và những gia phả cổ của các tộc họ ở Lý Sơn kể rằng, vào khoảng đầu những năm 1600, 15 vị tiền hiền ở vùng cửa biển Sa Kỳ, phủ Bình Sơn cũ đã giong thuyền ra cù lao Ré để khai khẩn, lập làng. Theo thời gian, các tộc họ đông đúc dần. Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải được thành lập làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, chống lại nạn cướp bóc của kẻ thù; giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này…

Từ những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ, rất nhiều lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển. Âm Linh tự được xây dựng từ đó, vào giữa thế kỷ thứ 17, là nơi thờ tự vong hồn đội hùng binh Hoàng Sa, đến nay vẫn còn vững chãi giữa phong ba biển cả. Đây cũng là nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (đã có từ 400 năm trước) vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch hằng năm, ghi nhớ công ơn những người đã ra đi mãi không trở về. Những ngày này, người dân nơi đây cũng đắp và dọn mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (còn gọi là mộ gió)…

Cảm xúc thiêng liêng về hồn thiêng sông núi của tổ tiên sẽ trỗi dậy khi du khách đến tham quan nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa – nơi trưng bày các hiện vật thể hiện chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Từ đây nhìn ra biển Đông để nghe “tiếng thiêng trầm hùng” vẫn ngày đêm vang vọng theo con sóng. Chưa bao giờ công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh hải ngưng nghỉ trong huyết quản mỗi người dân đảo nói riêng, mỗi người dân Việt Nam nói chung.

Đảo của những vết tích thiên tạo ngoạn mục

Không chỉ là nơi của “tiếng thiêng trầm hùng” qua bao thăng trầm lịch sử, Lý Sơn còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh với các dấu tích khảo cổ có từ hơn 200 năm trước Công nguyên, và là sự dung hòa giữa nền văn hóa Chămpa vào văn hóa Đại Việt. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa có 5 miệng, được hình thành cách đây 25 – 30 triệu năm. Thật thú vị khi biết rằng, các mạch nước ngầm nóng dưới chân núi lửa chính là nguồn cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt cho Lý Sơn…

Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên và bàn tay con người mà Lý Sơn hội tụ nhiều thắng tích nổi tiếng như chùa Đục, mũi Mù Cu, miệng núi lửa giếng Tiền, cổng Tò Vò… Trong đó, có thể kể đến chùa Hang, một trong những ngôi chùa có thắng cảnh đẹp nhất đảo Lý Sơn với truyền thuyết “Đường lên trời – Đường xuống âm phủ” (với nhiều ngóc ngách kỳ thú, có đường lên trời, đường xuống địa ngục). Còn được gọi là Thiên Khổng Thạch Tự, được lập ra cách đây khoảng 400 năm, chùa Hang nằm ở phía Đông Bắc đảo, dưới chân núi Thới Lới, sát mép biển, là bằng chứng sinh động về quá trình khai phá và xây dựng đảo của cư dân Đại Việt.

Là một trong 5 ngọn núi lửa ở Lý Sơn hay còn gọi là Ngũ Linh, núi Thới Lới là ngọn núi cao nhất trong 5 ngọn với chiều cao gần 20m, nằm ở xã An Hải. Được cấu tạo bởi toàn đá, bên trong núi là một lòng chảo rộng lớn, cũng là một hồ nước ngọt của Lý Sơn, thỏa mãn cơn khát cho cả đảo trong 4 tháng mùa khô hàng năm. Từ trên cao, nước chảy xuống tạo nên dòng suối có tên là suối Chình. Đứng trên ngọn núi, những ai mới đến lần đầu hẳn sẽ có cảm giác rờn rợn vì đang đứng ngay trong miệng núi lửa. Từ đây cũng có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn, thú vị nhất là lúc trời hừng đông và hoàng hôn…

Nhắc đến Lý Sơn, ngoài những món ăn hải sản ngon, ngọt, rẻ, thảo lòng như người dân nơi đây, hẳn sẽ khó ai quên được hương vị tỏi cô đơn thơm nồng đặc trưng được trồng trên cát, có một không hai, là đặc sản của đất đảo. Về đình làng An Hải – một công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn, được phản ảnh qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo – du khách không chỉ có dịp tham gia lễ hội đình làng, mà còn có cơ hội tìm hiểu qui trình nuôi trồng hành, tỏi tại vườn của nông dân địa phương… Viếng cảnh chùa, nghe tiếng chuông ngân, ngắm những ngọn núi lửa đang ngủ yên giữa trùng dương, nhìn ra biển Đông dậy sóng… hẳn khi ấy, Lý Sơn trong lòng nhiều người không chỉ là một nơi chỉ để du lịch.

Đánh giá post