Từ Ba Làng An nghĩ đến Hoàng Sa

0
844

Quảng Ngãi có 2 địa danh đặc biệt gắn bó, liên quan đến Hoàng Sa. Đó là Lý Sơn, nơi quê hương của đội hùng binh năm xưa ra đi để đánh dấu chủ quyền biển đảo của đất nước. Thứ hai là mũi Ba Làng An, nơi gần Hoàng Sa nhất của đất mẹ Việt Nam. Ba Làng An cách Hoàng Sa 135 hải lý; còn phần đất lục địa gần Hoàng Sa nhất của các nước khác cũng tới 230 hải lý.

Cái nôi của những đội hùng binh

Lão ngư Tiêu Viết Là là người Bình Châu. Cả cuộc đời ông gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Ông đi biển từ năm 14 tuổi, nghỉ biển năm 51 tuổi, vì không chịu được những vết thương đau nhức khi trở trời. Trong suốt 37 năm ngụp lặn với sóng nước Hoàng Sa, ông đã để lại quá nhiều sức lực, cả máu và nước mắt ở lại vùng biển này. Đến giờ, mỗi lần đi bộ xa xa, về đến nhà là ông Là lại phải đứng đầu nhà thở dốc rồi kêu đau đầu, tức ngực.

Ông Là đã nghỉ biển được 6 năm, nhưng nỗi nhớ thương biển, nhớ thương những cột sóng bạc đầu ngoài khơi xa của ông vẫn chưa nguôi ngoai. Cứ chiều chiều ông lại ra phía biển ngồi nhìn về phía đông, về phía Hoàng Sa thân yêu. Và gần đó là mũi Ba Làng An, nơi gần Hoàng Sa nhất của đất mẹ Việt Nam. Ông bảo, làm như thế để cảm thấy được Hoàng Sa gần hơn trong tâm tưởng của ông.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, địa danh Ba Làng An xuất phát từ tên của ba ngôi làng gần đó là An Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), An Vĩnh và An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi). Còn người Pháp thì đặt tên là mũi Batangan, là một điểm quan trọng trên hải đồ hàng hải của tàu thuyền khi qua lại khu vực Biển Đông.

Đây là một mũi đất được hình thành từ nham thạch núi lửa, đổ tràn và thoải dần ra phía biển. Cảnh sắc nơi đây cũng tuyệt đẹp, mang khí chất Hoàng Sa và phong thái hào sảng của cư dân miền biển. Ít ai biết rằng, Lý Sơn là quê hương của hải đội Hoàng Sa, nhưng những cư dân vùng Ba Làng An này lại là những người khai phá và hình thành nên những ngôi làng đầu tiên tại Lý Sơn.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh cho biết, cần phân biệt rõ giữa các hải đội Hoàng Sa do triều đình triệu tập, tổ chức đi Hoàng Sa với các hải đội do người dân chủ động xin đi để khai thác sản vật. Những hải đội do ngư dân chủ động xin đi, có nguồn gốc từ Ba Làng An này. Chỉ dẫn vậy để biết, Ba Làng An gắn bó với Hoàng Sa, không chỉ từ khoảng cách địa lý mà còn từ lịch sử.

Các tài liệu chính sử ghi nhận, khoảng từ thế kỷ XVI, người dân đất liền phát hiện ra đảo Lý Sơn. Từ mũi Ba Làng An, người dân vượt biển ra đảo Lý Sơn lập nghiệp, biến đảo hoang thành một nơi đông đúc dân cư. Khi ra đảo, họ lấy tên của ba địa danh An Vĩnh, An Hải, An Kỳ đặt tên cho ba ngôi làng trên đảo, sau này trở thành ba xã trực thuộc huyện đảo Lý Sơn bây giờ. Sau này, trải bao biển thiên của thời gian, tên làng An Kỳ đổi thành An Bình, là xã An Bình bây giờ.

“Ông Hoàng Sa”

Ở Bình Châu bây giờ vẫn có địa danh Vườn Đồn, là nơi tập kết, huấn luyện, trang bị tàu thuyền và chuẩn bị hậu cần cho các chuyến đi Hoàng Sa. Bây giờ, địa danh này là Đồn Biên phòng Sa Kỳ. Cách đó không xa là dấu tích miếu Hoàng Sa, là nơi trước đây mỗi lần dong thuyền ra khơi, hải đội Hoàng Sa vẫn đến để tế lễ thần linh, cầu cá Ông phù hộ. Đến giờ, trong đền vẫn thờ một phần bộ hài cốt cá Ông được ngư dân mang về từ Hoàng Sa.

Cụ Nguyễn Hường, là một cao niên tại vùng này, từng giải thích rằng, cả vùng miền Trung, miền Nam đều gọi cá voi là Ông Nam Hải, nhưng riêng người vùng Ba Làng An này gọi là Ông Hoàng Sa. Theo cụ Hường giải thích, ngày trước, khi các hải đội Hoàng Sa ra biển, trang bị còn thiếu thốn, biết là một đi không trở về, khi làm lễ, dân làng luôn nhớ về Ông, về vùng biển Hoàng Sa và từ đó gọi là Ông Hoàng Sa với tất cả sự thành kính.

Cụ Hường cũng kể một câu chuyện về việc rước một Ông Hoàng Sa về từ biển khơi được truyền tụng trong dân làng. Đó là một câu chuyện dài, bi tráng đã diễn ra cách đây 3 thế kỷ. Khi đó, những người ra Hoàng Sa thấy Ông lụy bờ nên bàn cách rước Ông về quê hương mình. Nhưng Ông thì quá lớn, còn thuyền nan thời điểm đó quá nhỏ bé nên chỉ có thể rước phần đầu của Ông về. Quá trình rước Ông về gặp rất nhiều khó khăn. Giữa lúc tưởng chừng không thể về bờ, thì một cơn gió nổi lên và kéo dài nhiều giờ, đưa thuyền căng buồm về bờ. Sau khi rước Ông về được đất liền, ngư dân vùng này lập miếu, đưa Ông vào thờ và gọi tên là miếu Ông Hoàng Sa. Trong những năm tháng chiến tranh, miếu thờ Ông bị đổ nát đến tận năm 2007 mới tu bổ được.

Đến tận bây giờ, nhiều câu chuyện kể về việc người làng nơi đây được Ông Hoàng Sa cứu sống vẫn còn được kể cho thế hệ con cháu. Những câu chuyện xưa cũ thì có thể không rõ ràng chi tiết, nhưng những câu chuyện của các ông Huỳnh Dẻ, Nguyễn Mua… thì là chuyện có thật.

Kết quả hình ảnh cho linh thiêng lý sơn

Cách đây hơn 50 năm, ông Huỳnh Dẻ được cứu sống bởi Ông Hoàng Sa trước hiểm nguy của cả đàn cá mập. Ông Dẻ kể, thời điểm đó, trong một chuyến đi biển, ông bị trượt chân ngã xuống biển. Đàn cá mập đang săn mồi ở đó lập tức lao tới. Tuy cố tránh né nhưng ông vẫn bị cắn một vết sâu ở đùi và đàn cá vẫn vây ông vòng trong vòng ngoài với ý định tấn công tiếp. Nhưng đột nhiên đàn cá nhảy vọt lên và tản dần ra xa, những người trên tàu nói do cá Ông xuất hiện. Và ông Dẻ được cứu thoát.

Trường hợp ông Nguyễn Mua cũng khá kỳ lạ. Sinh ra ở miền biển, nhưng ông Mua không biết bơi. Thời trẻ, ông chỉ đi theo tàu ra khơi và phụ việc trên tàu. Khi tàu gặp bão biển, tất cả ngư dân trên tàu đều nằm lại biển khơi thì ông được cá Ông cứu sống. Ông Mua kể lại với dân làng rằng, lúc đó thấy mình được nâng bởi một vật gì rất to lớn, trơn trơn, cứ thế lướt trên mặt biển. Và rồi ngày hôm sau, những ngư dân vùng Tam Quan, Bình Định thấy ông ở trên bãi cát và cứu được ông.

Kể câu chuyện trên để thấy, địa danh Ba Làng An gắn bó với Hoàng Sa từ địa lý, lịch sử và cả tâm tưởng người dân. Đến tận bây giờ, Hoàng Sa vẫn là ngư trường chính của người dân nơi đây. Họ tiếp nối khí phách, sự hào sảng và cả chất can trường của những đội hùng binh năm xưa. Đó là vùng chủ quyền mà thế hệ cha ông của vùng Ba Làng An đã đánh đổi cả máu và tính mạng để xác lập. Nên với thế hệ sau này, từ khi mới sinh ra, Hoàng Sa luôn ở trong tim và khí chất Hoàng Sa luôn hừng hực chảy trong huyết quản.

Đánh giá post