‘Bảo tàng’ xương cá voi ở đảo Lý Sơn

0
977

Các chuyên gia khẳng định, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ được biết đến là “cái nôi” của quê hương Hải đội Hoàng Sa mà còn là ‘bảo tàng’ xương cá voi nhiều nhất Việt Nam.

Huyện đảo Lý Sơn có hàng chục lăng, vạn thờ tự loài cá voi theo nghi thức tín ngưỡng dân gian mang đậm nét văn hóa miền biển đảo. Lăng Tân (còn gọi là Sở Đại dương) ở xã An Vĩnh đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là nơi lưu giữ nhiều bộ xương cá voi lâu đời, có kích cỡ lớn nhất.

'Bao tang' xuong ca voi o dao Ly Son hinh anh 2

Tháng 4/2014, trong lúc đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, thuyền trưởng Trương Minh Kỳ phát hiện xác cá voi dài 12 m, nặng khoảng 6 tấn trôi dạt đã lai dắt đưa về đảo Lý Sơn an táng. Do trọng lượng cá voi quá lớn, chính quyền địa phương đã đề nghị một doanh nghiệp dùng cẩu chuyên dụng và huy động hàng chục thanh niên khỏe mạnh của làng chài để đưa cá voi từ biển lên bờ an táng theo nghi thức tín ngưỡng của ngư dân nơi đây.

'Bao tang' xuong ca voi o dao Ly Son hinh anh 3

Theo các lão ngư làng chài xã An Hải, cá voi này xưng tước “Đại tướng Huỳnh Long Hải”- vị thần lớn của biển cả. Dự kiến sau 5 năm chôn cất, các tộc họ nơi đây khai quật, đưa bộ xương vào đình làng thờ cúng.

Bộ xương cá voi dài 20 m, mỗi xương sườn dài gần 10 m, mỗi đốt sống dài bằng sải tay. Ông Nguyễn Thọ (ngụ xã An Hải) cho biết, lúc nhỏ nghe ông bà kể lại, 300 năm trước, cá voi “khổng lồ” này gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa sau đó được ngư dân địa phương đưa về Lý Sơn rồi “lụy” trước làng chài. Do cá voi nặng khoảng 17 tấn không thể khiêng nổi đưa lên bờ nên hàng trăm dân làng đào hố sâu chôn trên bãi biển. Sau ba năm, các tộc họ khai quật đưa bộ xương vào lăng thờ tự.

'Bao tang' xuong ca voi o dao Ly Son hinh anh 4

Ông Phù Ngã- Chủ Vạn lăng Tân cho hay, ngư dân địa phương thường tín ngưỡng gọi cá voi là “ngài cá Ông”. Hiện lăng Tân đang lưu giữ ba bộ hài cốt cá voi với tước vị: Đồng đình Đại vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần. Do chưa có điều kiện phục dựng, bảo tồn, hàng năm các tộc họ trên đảo quyên góp tiền xây nhà kho, cử người túc trực gìn giữ, bảo quản các bộ xương cá voi thờ tự ở các lăng.

'Bao tang' xuong ca voi o dao Ly Son hinh anh 5

Xương đầu cá voi nặng hàng trăm kg, ba người khó thể khiêng nổi. Nghệ nhân Võ Hiển Đạt (ngụ xã An Vĩnh) bộc bạch, “ngài cá Ông” từng cứu sống nhiều người nên ngư dân nơi đây xây lăng, miếu thờ kính cẩn đền ơn đáp nghĩa.

Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải kể về chuyến biển lâm nạn cùng 18 ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa từng được cá Voi cứu thoát chết hy hữu. Tri ân công đức loài cá cứu nhiều người, trải qua bao đời, ngư dân Lý Sơn còn truyền tụng câu ca: ” Lăng Ông thánh độ vững như sơn. Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn (nhân). Một dạ tu bồi hằng giữ pháp. Hai tay đắp lũy để đền ơn”.

Các tộc họ ở huyện đảo Lý Sơn tế lễ cầu ngư tri ân công đức “ngài cá Ông” ở lăng Tân mỗi dịp tết đến, xuân về. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhìn nhận, huyện đảo Lý Sơn không chỉ là “cái nôi” của quê hương Hải đội Hoàng Sa mà còn là “bảo tàng” xương cá voi độc đáo lớn nhất cả nước gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ nhiều thế kỷ trước.

Đánh giá post