“Con chim đầu đàn” của ngư dân huyện đảo Lý Sơn

0
700

Ra thăm đảo lý sơn, tôi may mắn làm quen với ông Dương Minh Thạnh, người được bà con ngư dân ở đây tôn vinh là “con chim đầu đàn”. Ông Thạnh năm nay đã ngoại lục tuần. Gia đình ông “tam đại đồng đường” trong ngôi nhà gạch hai tầng chắc chắn, có sân, vườn trồng những luống tỏi tím thẳng tắp, trông rất đẹp. Tỏi là đặc sản của đảo Lý Sơn. Ông Thạnh khỏe mạnh, nước da nâu bóng, bắp tay săn chắc thoăn thoắt vá lưới, cùng 2 anh con trai và chàng rể, được cha truyền nghề, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xa bờ.

Với chất giọng đầm ấm, ông kể về chuyến ra khơi đầu tiên, cách đây 32 năm. “Thời đó tôi còn trẻ, mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm nên chỉ dám dùng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, sản lượng thu được rất hạn chế. Gia đình trông vào con cá, mà cá thu hoạch ít nên đời sống rất khó khăn. Nhà cửa tuềnh toàng, đâu được khang trang như bây giờ. Muốn thoát nghèo, đổi đời, phải đóng thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Tôi bàn với một số bạn trẻ cùng chí hướng làm giàu, vay mượn bà con, kẻ ít người nhiều, gom được đủ số tiền đóng con tàu lớn đủ sức ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa khai thác mỏ cá”.

Ông cùng các thuyền viên chọn ngày tốt 16/2/1982 (âm lịch) làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, rồi thẳng tiến ra khơi. Ông dùng chiếc bản đồ đánh cá cũ, một chiếc la bàn thô sơ, một cây đèn dầu, một thước ê-ke đo tọa độ, trừ hao sức gió, dòng chảy của nước vượt 218km đường biển, hết 25 tiếng đồng hồ thì tàu cập “bãi cát vàng” đảo Tri Tôn. Neo thuyền lại, cả đoàn vui mừng reo hò, chuyền cho nhau chai rượu trắng, mỗi người uống một ngụm cho ấm lòng, khẩn trương quăng lưới. Chỉ sau 5 mẻ lưới, thuyền đã đầy ắp cá, phải xuôi tàu đến Đà Nẵng bán buôn mới hết. Đầu xuôi đuôi lọt, cứ như vậy, ngư dân Lý Sơn đến ông học hỏi kinh nghiệm, theo chân ông đóng tàu lập thành đội, thành đoàn tiến ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá và coi ngư trường truyền thống Hoàng Sa là nơi giúp bà con ngư dân xóa đói giảm nghèo. Ông Thạnh đèo tôi trên chiếc Cup 70, tiếng nổ rất “đanh” đến trường tiểu học, cách nhà 500m, đón cậu cháu đích tôn đang sinh hoạt hè tại đây. Con đường đổ bê-tông xuyên đảo phẳng lì xanh – sạch – đẹp, hai bên đường toàn nhà gạch cao tầng, tiếng loa đài rộn ràng lối xóm, ông tự hào bảo “đều nhờ cá và tỏi cả”.

Gần cả cuộc đời đi biển đánh bắt cá, từ khi còn là một thanh niên nay có đủ cháu nội ngoại, ông vẫn chưa ngơi nghỉ. Mỗi chuyến đi biển là một lần đối mặt với hiểm nguy đến từ sóng gió bão táp, kể cả con người với nhau, ông đều ghi trong “nhật kí hải trình”. Đơn cử “Ngày 2/7/1997. Trong chuyến ra khơi hôm nay, chúng tôi gặp một tàu của Trung Quốc, loại 14 tấn bị nạn ở khu vực biển Hoàng Sa. Họ hết nước ngọt, lương thực, giơ cả xoong nồi lên vừa gõ, vừa gào thét trong tuyệt vọng. Chúng tôi phát hiện, đưa tàu ra cứu, cho họ nước uống, 15 cân gạo, kéo tàu chết máy của họ về đảo Xà Cừ trú ẩn an toàn”.

Kết quả hình ảnh cho đảo lý sơn

Đọc “Nhật kí hải trình”, biết ông nhiều lần cứu ngư dân tàu Trung Quốc thoát nạn. Mỗi khi bão đổ bộ vào Biển Đông, các tàu cá của ngư dân Trung Quốc đánh bắt gần đó, đều tấp vào đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhờ tránh bão. Khi phát hiện một tàu của ngư dân Trung Quốc bị gió giật đứt dây neo, trôi vô định trong giông bão, ông cho tàu ra, dìu vào an toàn. Ông quan niệm, khi gặp thuyền bị nạn dù là ngư dân nước nào cũng cần phải cứu, cứu người là cứu mình. Suy nghĩ và việc làm của ông cùng các bạn nghề thật giàu chất nhân văn. Ngược lại, nhiều tàu Trung Quốc lấy oán trả ân, rất nhiều lần ông và ngư dân Lý Sơn đánh bắt cả trên vùng biển quê hương, bị người Trung Quốc cậy tàu to, quen lấy thịt đè người lao đến gây sự đâm va, dùng vũ khí đe dọa cướp trắng ngư cụ, số hải sản rất vất vả, tốn kém mới đánh bắt được của ông.

Kết quả hình ảnh cho đảo lý sơn

Với gia đình ông Thạnh nói riêng và bà con ngư dân đảo Lý Sơn, biển Hoàng Sa được coi như mảnh ruộng, khu vườn thân quen nuôi sống họ, giúp họ ổn định cuộc sống, làm cho dân giàu, đảo mạnh lên. Họ vươn khơi đánh bắt là để bám đảo. Đảo là quê hương, là nhà, là sân vườn, mái trường, lớp học hằng ngày con cháu họ đến đó “Học lễ, học văn”, lớn lên thành người, thay họ giữ biển đảo, ngư trường truyền thống để xứng danh quê hương Hải đội Hoàng Sa anh hùng, xứng với máu xương cha ông đã đổ để khẳng định chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa. Những ngày hè nóng bỏng năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên khu vực biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ông Thạnh và bà con ngư dân Lý Sơn vẫn bình tĩnh bám ngư trường truyền thống với suy nghĩ thật đơn giản, khẳng định chân lí: “Ngư trường của ta, thì ta khai thác, đánh bắt. Kẻ nào đụng tới mảnh đất thiêng liêng này, kẻ đó sẽ chuốc lấy phần thất bại”. Ông Thạnh bảo thế trước khi chia tay, ra biển.

Lê Sỹ Tứ – Báo người cao tuổi

Đánh giá post