Dấu ấn lịch sử của huyện đảo Lý Sơn

0
794

Huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi gồm các xã An Vĩnh, An Hải và An Bình. Huyện quản lý các đảo: Đảo Lớn (cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) và hòn đảo nhỏ có tên là Mù Cu. Lịch sử của huyện đảo Lý Sơn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân đã sinh sống ở đây từ hàng ngàn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh, Chămpa, Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền biển đảo và để lại nhiều di sản văn hóa rất giá trị, đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy.

Đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý. Nơi đây có nhiều phong cảnh đẹp, với những nét hoang sơ vẫn còn lưu giữ. Lý Sơn nổi tiếng với cây hành, cây tỏi mang hương vị đặc trưng. Nhờ đó, mỗi năm Lý Sơn thu hút trung bình gần 50 ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch khám phá. Khách du lịch đến với Lý Sơn không chỉ để tham quan, thưởng ngoạn đơn thuần mà còn tìm hiểu về lịch sử, con người, văn hóa truyền thống đặc sắc của cư dân miền biển.

Từ lợi thế này, nhiều năm qua, Lý Sơn đã tập trung phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng có sẵn và xã hội hóa các hoạt động du lịch. Theo đó, nhiều cơ sở lưu trú và các dịch vụ phục vụ du khách đã hình thành. Nhưng do chưa quy hoạch cụ thể nên phần lớn các đơn vị này chỉ hoạt động mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp và chủ yếu chỉ làm theo kinh nghiệm.

Lý Sơn có gần 100 di tích lịch sử, văn hóa rất lâu đời và độc đáo, trong đó có 10 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Cùng với các lợi thế về phong cảnh, bãi biển tự nhiên đẹp thu hút khách thì văn hóa truyền thống là yếu tố quan trọng để đa dạng hóa các loại hình du lịch. Đó là du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng và tâm linh. Do ít bị chiến tranh tàn phá và ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người dân nên Lý Sơn đã bảo tồn được hàng trăm di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, phân bổ dày, đặt biệt là các di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này. Tiêu biểu là Âm Linh Tự, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết,… những nơi này còn có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh qua các cuộc khai quật và cho thấy sự dung hòa giữa nền văn hóa Chămpa vào nền văn hóa Đại Việt. Nhờ sự kiến tạo của tự nhiên mà Lý Sơn cũng là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Hang, chùa Đục, Mù Cu, Miệng núi lửa giếng Tiền…

Chùa Hang (còn là Thiên Khổng Thạch Tự) ở phía đông bắc đảo, dưới chân núi Thới Lới, là di tích cấp quốc gia. Chùa Hang là di tích thắng cảnh do thiên nhiên và con người tạo nên, chùa có giá trị về nhiều mặt, là bằng chứng cụ thể quá trình khai phá và xây dựng đảo của cư dân Đại Việt. Cụm di tích đình làng An Hải được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên (1820) cũng là di tích cấp quốc gia, ở thôn Đông, xã An Hải. Âm Linh Tự và mộ lính Hoàng Sa cũng là di tích cấp quốc gia. Âm Linh Tự tọa lạc tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII. Đây là di tích lịch sử rất quan trọng trong việc chứng minh và phản ánh trung thực chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ đã khiến nhiều người lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển. Tưởng nhớ đến họ, người dân đảo Lý Sơn đã xây dựng đền Âm Linh Tự để thờ phụng. Nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết, đền thờ cá ông Lăng Chánh, dinh bà Thiên Y-A-Na, lăng cá Ông (Đông Hải)… là những di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn có nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng những di sản văn hóa liên quan đến hoạt động của đội Hoàng Sa và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao của các vị tiền nhân đối với dân, với nước.

Lý Sơn có nhiều lễ hội nhưng đặc sắc nhất là lễ đua thuyền tứ linh và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ đua thuyền tứ linh thường được tổ chức ở vùng biển phía tây nam của đảo, diễn ra từ mồng 4 đến mồng 8 tết hằng năm. Lễ hội đua thuyền tứ linh không chỉ là trò vui chơi, giải trí mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền nhân buổi đầu đã khai sinh ra đảo và cầu mong cho quốc thái, dân an. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hằng năm vào dịp cúng việc lề, tức khoảng từ ngày 10 đến 20-2 âm lịch, nhân dân Lý Sơn làm lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Âm Linh Tự vào ngày 16-3 (âm lịch). Những người cao niên ở đây cho biết, lễ thức này có từ khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là vua nhà Nguyễn giao phó để bảo vệ bờ cõi lãnh hải thiêng liêng.

Đánh giá post