Đến Hội An thưởng thức những món ngon lạ miêng

0
638

Những món ăn ngon lạ miệng được nhắc đến trong bài viết sau không chỉ mang đến cho thực khách trải nghiệm ẩm thực mới lạ mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho ẩm thực phố cổ. Vậy những món ăn đó là gì, có gì hấp dẫn mà khiến thực khách mê mẩn? Cùng XeQuangNgai “điểm mặt gọi tên” các món ngon – lạ chỉ có ở Hội An ngay bây giờ nhé!

Phố cổ Hội An cổ kính và đầy bình yên luôn là điểm đến được rất nhiều người yêu thích. Bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử từ lâu đời hay cảnh sắc tuyệt đẹp, sức quyến rũ của Hội An còn đến từ nền ẩm thực độc đáo, đa dạng. Nhắc đến ẩm thực Hội An, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cao lầu, mì Quảng, bánh mì Phượng, cơm gà Bà Buội… Thế nhưng, ngoài những món ăn quen thuộc này, Hội An còn một số món ăn lạ miệng khác “gây mê” nhiều thực khách trong và ngoài nước. Nếu có dịp đến Hội An, bạn đừng bỏ qua một số món ăn ngon lạ miệng sau.

Những món ăn ngon lạ miệng ở Hội An
1. Mì sứa
Bên cạnh món mì Quảng trứ danh thì Hội An còn có món mì sứa “ngon xuất sắc”. Những miếng sứa trong veo, dai giòn được xắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, ăn cùng sợi mì Quảng to dày và nước dùng nấu từ tôm và cua. Khi ăn, bát mì sứa sẽ dùng kèm với rau nộm (bắp chuối bào, rau muống bào, rau quế thơm và ngò), bánh đa bột gạo và một số gia vị khác (đậu rang, hành phi, ớt … ). Sứa dai giòn, tươi ngọt hoà cùng những sợi mì dẻo dai, vị beo béo của đậu rang và giòn tan của bánh đa, mát lạnh của rau nộm tạo nên một cảm giác “ngon hết xảy”.

Điều đặc biệt khi thưởng thức mì quảng sứa đó là ngồi trên những chiếc ghe lửng lờ trôi trên dòng Thu Bồn vừa xì xụp bát mì, mang đến một trải nghiệm khó quên. Mùa sứa thường bắt đầu khoảng từ tháng 3 âm lịch đến mùa hè nên mì sứa cũng chỉ bán trong thời gian này.

2. Canh bột báng
Bột báng thường dùng để nấu chè nhưng người dân xứ Quảng lại có thêm một cách “biến tấu” khác đầy thú vị đó là canh bột báng. Bột báng đem vo sạch, ngâm với nước khoảng 15 phút rồi cho lên bếp đun sôi. Khi hạt bột báng nở to và trong suốt thì đổ ra rồi xối nhẹ nước lạnh để bột không bị dính vào nhau. Nước canh bột báng là nước hầm xương gà hoặc xương heo.

canh bot bang

Những buổi xế chiều, trong khung cảnh bình dị và trầm mặc của phố cổ, không gì tuyệt bằng ghé vào một quán nhỏ, gọi tô canh bột báng, thưởng thức từng hạt bột báng trong suốt quyện cùng nước dùng ngọt thanh, thêm ít lát chả, trứng cút, lá hành và chút ớt cay cay bên trên.

3. Mạc nạm
Món ăn có cái tên lạ lẫm này thực chất được nấu từ gân bò, gàu bò, bạc nhạc bò tương tự như món cà ri hoặc bò kho. Món mạc nạm khác ở chỗ nguyên liệu được ướp bằng các vị thuốc bắc rất đặc biệt theo bí quyết riêng của người nấu, tạo nên hương vị lạ miệng cho món ăn. Từng miếng thịt ninh mềm nhừ nhưng không nát quyện sánh trong nước sốt màu hổ phách sóng sánh, dậy mùi thuốc bắc hấp dẫn và ăn kèm với bánh mì. Món ăn này đã chinh phục rất nhiều du khách khi đến Hội An.

4. Mít nhồi tôm thịt
Đây cũng là một món ăn ngon lạ miệng rất đặc trưng, gắn liền với nhịp sống người dân phố Hội. Trái mít gần chín được bổ ra, dùng dao nhỏ tách lấy hột rồi đem hột luộc chín, lột lớp vỏ cứng, giã nát thành bột rồi trộn với tôm, thịt, hành, tỏi, tiêu, nước mắm sao cho vừa ăn rồi nghiền nhuyễn. Sau đó đem loại nhân nhét vào bụng mỗi múi mít, đặt vào xửng hấp.

Mít nhồi tôm thịt

Mít nhồi tôm thịt có đủ hương vị ngọt, thơm của múi, vị bùi của hột mít cộng với chất béo ngọt, đậm đà của tôm thịt và vị cay của các thứ gia vị. Món ăn này có thể dùng để ăn chơi hay ăn khai vị đều rất hợp.

5. Mắm nhum
Thời xưa, mắm nhum là một thức ăn quý được người dân Hội An dành để tiến vua, được coi là món ăn đặc sản Hội An, sánh ngang với sản vật của các địa danh khác như: Sâm cầm hồ Tây, thuốc lào Tiên Lãng, vải thiều Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên…

Kết quả hình ảnh cho đặc sản mắm nhum

Mùa khai thác nhum thường được bắt đầu từ tháng 2 âm lịch hàng năm nhưng nhum ngon nhất phải đợi tới tháng 5, tháng 6. Nhum bắt về được đem rửa sạch, tách thịt ra khỏi vỏ. Thịt nhum cho vào vại, rắc muối, hạt tiêu lên trên. Mắm nhum phải cho muối nhạt hơn các loại mắm khác để giữ được vị ngọt đậm, thơm ngon vốn có. Muối nhum chỉ để khoảng nửa tháng đã ăn được. Mắm nguyên chất sền sệt, có màu đỏ sẫm như mắm tôm.

Khi ăn, người ta chỉ cho thêm một ít tỏi, tiêu chứ không thêm thứ nguyên liệu gì khác để giữ nguyên hương vị của mắm. Mắm nhum có thể ăn cùng bún hoặc nước chấm thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng, rau sống. Mắm nhum cũng là một thức quà được nhiều du khách mua mang về.

Đó là một số món ăn ngon lạ miệng ở Hội An mà bạn nên thử ít nhất một lần để cảm nhận trọn vẹn phong vị của phố cổ, của người dân xứ Quảng. Các Chef đã thưởng thức qua hết các món ăn này chưa?

Đánh giá post