Di tích khảo cổ học Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn

0
1041

Di tích khảo cổ học Suối Chình ở huyện đảo Lý Sơn thuộc địa phận thôn Đông, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn), cách khu vực Trung tâm hành chính huyện chừng 3 km về phía Đông Bắc.

Suối Chình là một dòng suối cổ bắt nguồn từ phía Tây Bắc núi Thới Lới. Đây là ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng vạn năm nhưng dấu tích nham thạch còn vung vãi khắp trên đảo, đặc biệt là hồ nước khá rộng trên đỉnh núi, dấu tích của miệng núi lửa. Diện tích núi rất lớn, chiếm khoảng một phần tư diện tích của đảo. Suối Chình là dòng suối nước ngọt chảy từ đỉnh núi Thới Lới và tràn ra biển. Trước kia, khi chưa có đập ngăn của hồ chứa nước Thới Lới, suối Chình có nước chảy quanh năm, trong suối có loài cá chình sinh sống nên mới có tên gọi như vậy.

Hình ảnh có liên quan

Di tích khảo cổ học suối Chình được Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện và đào thám sát năm 1999, sau đó được Viện khảo cổ học và Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi tiến hành khai quật lần I vào tháng năm 2000; lần II năm 2005.

Di tích Suối Chình là một di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng. Trong di tích này đã tồn tại hai lớp cư dân thuộc hai giai đoạn văn hóa sớm và muộn. Giai đoạn văn hóa sớm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh muộn. Giai đoạn văn hóa muộn đã có xu hướng vượt ra khỏi phạm trù của văn hóa Sa Huỳnh với xu hướng nổi trội của đồ gốm phong cách Hán và sự phát triển của đồ gốm Chăm sớm.

Kết quả hình ảnh cho suối chình lý sơn

Bên cạnh những đồ gốm nguyên và mộ táng, còn có hàng chục nghìn mảnh gốm vỡ từ những đồ đựng như: nồi, chậu, đĩa, bát mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn muộn. Trong tầng văn hóa, cùng với đồ gốm Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 2 bình hình trứng Trà Kiệu với nhiều mảnh vỡ khác, gốm phong cách Hán, hoa văn in ô vuông và gốm Hán phong cách Tam Thọ (Thanh Hóa). Sự xuất hiện của đồ gốm Trà Kiệu hay Tam Thọ trong địa tầng di chỉ Suối Chình là dấu hiệu của sự giao lưu trao đổi của cư dân di chỉ Suối Chình với bên ngoài.

Kết quả khai quật di tích Suối Chình thêm một nữa cho thấy sự tồn tại của loại hình đảo gần bờ của Văn hóa Sa Huỳnh trên dãi đất miền Trung Việt Nam. Cùng với các di tích văn hoá Sa Huỳnh trên các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), các đảo vịnh Nha Trang (Khánh Hoà), di tích Xóm Ốc (cùng trên đảo Lý Sơn), di tích Suối Chình đã cung cấp thêm bằng chứng cũng cố ý kiến cho rằng người Sa Huỳnh từ đất liền đã vượt biển chiếm lĩnh các đảo gần bờ.

Nồi đất, tìm thấy trong di tích Suối Chình

Việc tìm thấy đi chỉ cư trú và mộ táng của cư dân Sa Huỳnh giai đoạn muộn và Chăm Pa sớm ở Suối Chình đã đem lại tư liệu và nhận thức mới về loại hình văn hóa Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh vùng đảo gần bờ. Trong nhiều di tích đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để cho phép nêu lên giả thiết về khả năng một trong những nhánh của Sa Huỳnh đã phát triển và hình thành nền văn hóa Chăm tiếp sau.

Mặc khác, không gian và phong cảnh thiên nhiên suối Chình gắn với không gian quần thể khu vực núi Thới Lới, bao gồm: Miệng núi lửa cổ Thới Lới, Chùa Hang, Hang Câu, đình làng An Hải… nằm trong một khung cảnh thiên nhiên – nhân tạo, gắn kết trời và biển, núi và hang, đền đình dinh miếu với nhà cửa xóm làng, ẩn chứa tiềm năng du lịch đáng được quan tâm đặc biệt và rất cần có kế hoạch khai thác khoa học, bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo Lý Sơn.

Đánh giá post