Hồ nước ngọt ở Lý Sơn được xây dựng trên núi Thới Lới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân Lý Sơn, từ khi hồ nước được xây dựng đã giải quyết phần nào bài toán thiếu nước ngọt ở hòn đảo tiền tiêu này.
Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoản 14 hải lý, là một trong những hòn đảo may mắn có được lượng ngầm để cung cấp cho sinh hoạt cũng như trồng trọt. Nhưng số lượng nước có hạng phần lớn các giếng trên đảo chỉ là nước lợ và không phải ở đâu người dân cũng tìm được những mạch nước ngầm. Nước sinh hoạt đã khó khăn lại thêm phần dân số ngày còn đông ( hơn 20.000 người), nhu cầu nước cho nông nghiệp cao phục vụ cho hoạt động trồng hành và trồng tỏi.
Mỗi khi trời mưa nhà nào cũng có đường ống dẫn nước mưa từ mái nhà cho thẳng vào các lu hoặc bể chứa lớn tích trữ dùng lần vào mùa khô hạn. Lượng nước này phải dùng tiết kiệm nhất có thể. Vấn đề nước ngọt luôn được không những chính quyền huyện mà cả tỉnh quan tâm
Người dân Lý Sơn từ bao đời nay sống trên mảnh đất hình thành từ triệu năm của núi lửa, tàn tích của núi lửa để lại là hai lòng chảo lớn một ở núi Giếng Tiền, một ở núi Thới Lới. Ngay lúc tái lập tỉnh vào năm 1898 thấu hiểu nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất của người dân huyện đảo tiền tiêu, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khi ấy đã chỉ đạo ngành chức năng lập dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới, nằm trong quy hoạch thủy lợi của tỉnh nhằm hứng nước trời phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân Lý Sơn.
Nhưng lại nảy ra lo ngại xây dựng một hồ chứa nước trên đỉnh núi với cái nắng cái gió ở huyện đảo Lý Sơn chẳng mấy chốc mà nước bốc hơi và thẩm thấu vào lòng núi. Chẳng khác nào đem nước rút vào lòng núi.
Không chịu đầu hàng trước những khó khăn nhỏ trước mắt Bộ NN-PTNT cùng với chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và các nhà khoa học quyết tâm vào cuộc. Những cuộc khảo sát địa vật lý, khảo sát địa chất công trình và những kiểm định tại hiện trường được các nhà khoa học đồng loạt triển khai. Sau khi chứng minh nước hứng được trong hồ sẽ không bị thẩm thấu vào lòng núi, Bộ NN-PTNT mới thỏa thuận công trình đảm bảo được yêu cầu giữ nước. Đến năm 2003, dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới chính thức được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt. Suốt 14 năm trông chờ, người dân huyện đảo Lý Sơn mới nhìn thấy tia hy vọng.
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thành nghèo trong cả nước vì vậy mọi công trình điều phải chờ nguồn vốn của chính phủ rót về. Mãi cho đến năm 2010 thì dự án xây dựng hồ chứa nước trên núi Thới Lới mới nhận được nguồn tiền đầu tiên dành cho dự án. Việc xây dựng một hồ chứa nước ở hòn đảo cách đất liền gần 30km lại ở trên độ cao hơn trăm rưỡi mét, khó khăn chồng chất khó khăn.
Để xây dựng công trình hồ hồ nước ngọt ở Lý Sơn cần đến 3.000 khối cát; 2.000 tấn xi măng; 6.800 m3 đá dăm, đá hộc và 100 tấn sắt… Toàn bộ số lượng vật tư kể trên đều được lấy từ thành phố Quảng Ngãi rồi vận chuyển dần sang đảo Lý Sơn. Vật tư được chuyển dần từng chuyến xe từ thành phố ra cảng Dung Quất. Rồi từ bến cảng chuyển xuống xà lang, từ xà lang vận chuyển ra cảng dân sự của huyện đảo Lý Sơn. Vật tư được đưa xuống tập kết tại dọc bờ biển thuộc bến cảng cách địa điểm xây dựng hồ 5 km, sau đó được “cõng” lên đỉnh núi Thới Lới.
Lúc trời yên biển lặng thì xà lang còn chở được kha khá, nếu trời gió cấp 5 cấp 6 thì chỉ dám chở rất ít. Với chặng đường biển dài 20 hải lý, những chiếc xà lan nặng nề phải đi mất 2 ngày mới tới Lý Sơn, gian nan không kể xiết. Do đó, công trình nhỏ là vậy nhưng phải xây dựng 18 tháng ròng rã mới hoàn thành.
Tháng 5/2012, hồ Thới Lới được đưa vào sử dụng, kịp phục vụ tưới cho 60 ha tỏi tại cánh Đồng Khô thuộc xã An Hải trong vụ đông xuân 2012-2013, hiệu quả trông thấy. Ngay cái tên Đồng Khô của vùng tỏi rộng 60 ha cũng đã nói được sự khát nước triền miên của vùng đất này.
Vùng Đồng Khô không đóng được giếng, nếu đóng được giếng nào cũng sâu hun hút. Muốn đủ nước tưới cho 1 sào tỏi phải mất 3 giờ bơm, mỗi giờ chi phí 170.000đ, vị chi mỗi lần tưới 1 sào tỏi ngốn hết 500.000đ. Vụ đông xuân vừa rồi, 60 ha trồng tỏi ở Đồng Khô ăn được nước hồ Thới Lới. Người trồng tỏi chỉ còn trả chi phí cho 1 khối nước là 5.000đ, tưới đủ nước cho 1 sào tỏi bây giờ chỉ mất 50.000đ/lần tưới, giảm đến 10 lần chi phí.
“Không chỉ vậy, trước đây do được tưới bằng nước bị nhiễm mặn nên cây tỏi ở Đồng Khô cho năng suất rất thấp, chất lượng tỏi cũng kém. Bây giờ được “ăn” nước ngọt tinh khiết được lấy từ trời, năng suất được tăng từ 40 tạ/ha lên đến trên 60 tạ/ha. Bình thường, tỏi trồng ở Đồng Khô 100 củ mới đạt 1 kg, bây giờ 30 củ đã đạt 1 kg, chất lượng tỏi cũng trở nên ngon hơn”, ông Mai Văn Sơn, chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết.
Tổ quản lý, khai thác hồ Thới Lới của xã do cán bộ phụ trách nông-lâm-ngư làm tổ trưởng. Nước được dẫn về hồ thấp dưới chân núi, nơi có 24 van xả cấp nước trực tiếp về đồng tỏi. Quản lý mỗi van cấp nước là 1 tổ thủy nông, mỗi tổ đảm trách 300 m đường ống nhánh. Ngoài cấp nước, các tổ này còn có trách nhiệm thu phí của người sử dụng. Mô hình quản lý từng khối nước nói trên đã nói lên tinh thần tiết kiệm nước rất cao.
Với người trồng tỏi ở Lý Sơn, mỗi giọt nước là mỗi giọt vàng. Nhờ quản lý chặt nguồn nước là vậy, nên dù trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 vừa qua trên địa bàn Lý Sơn vắng mưa, nước chứa được trong hồ rất ít nhưng vẫn đủ tưới cho 60 ha tỏi suốt vụ đông xuân, sang vụ xuân hè còn tưới được cho mấy chục ha hành trong giai đoạn đầu. Hiện trong lòng hồ cũng còn được 1,5 m nước”, ông chủ tịch UBND xã An Hải Mai Văn Sơn, cho biết.
Hồ chứa nước Thới Lới ngoài mang lại hiệu quả kinh tế còn tạo được niềm tin trong nhân dân về sự quan tâm đặc biệt đối với người dân biển đảo của Nhà nước. Từ hiệu quả của hồ Thới Lới, UBND huyện Lý Sơn đang xin Nhà nước đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước trên miệng núi lửa Giếng Tiền nằm ngay chùa Đục thuộc địa bàn xã An Vĩnh. Nếu được, niềm vui của dân đảo Lý Sơn sẽ được nhân đôi”, ông Nguyễn Mậu Văn, phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi.