Cây di sản trên huyện đảo Lý Sơn

0
726

Đến nay, Quảng Ngãi có 4 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trong đó, huyện đảo Lý Sơn có 2 cây di sản, góp phần làm phong phú các di tích, danh lam thắng cảnh trên đất đảo hùng binh Hoàng Sa.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận cây di sản Việt Nam đối với 2 cây đa sộp tại dinh Đụn, thôn Đông, xã An Vĩnh và một cây ở dinh Tam Hòa, thôn Tây, xã An Hải. Hai cây này có độ tuổi hơn 300 năm, là cây thứ 610 và 611 Cây di sản Việt Nam được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận trên cả nước. Ông Võ Văn Minh (thôn Tây), năm nay đã trên 70 tuổi cho biết: Từ nhỏ tôi đã thấy cây sộp to lớn lắm rồi. Nghe ông bà kể lại nó đã có từ cách đây mấy trăm năm, đời này tiếp nối đời khác thay nhau chăm sóc để nó tươi tốt thế này. Hôm nay được dự lễ công nhận cây di sản, dân chúng tôi ai cũng phấn khởi.

Kết quả hình ảnh cho cây di sản ở Lý Sơn

Những cây cổ thụ này tuy trải qua nhiều thế kỷ đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nơi biển đảo nhưng vẫn xanh tốt và phát triển đến ngày hôm nay. Điều này cho thấy ý thức giữ gìn, kế thừa trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường của người dân Lý Sơn là rất lớn. Đây còn là biểu tượng thiêng liêng của làng quê Việt, chứa đựng tình cảm thân thương và được người dân đặt niềm tin, tâm linh sâu sắc về những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của người dân đất đảo.

Đảo Lý Sơn vốn có truyền thống văn hóa lâu đời. Trên đảo ngoài hệ thống đền, chùa miếu, mạo còn có hàng chục cây đa sộp có niên đại vài trăm năm tuổi. Ngày hôm nay, Lý Sơn có 2 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam, góp phần làm phong phú trong chuỗi các di tích, danh lam thắng cảnh, giúp địa phương phát triển du lịch.

Cây đa sộp ở Dinh Đụn thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn

Những cây di sản không chỉ đơn thuần là cổ thụ mà còn là những nhân chứng lịch sử, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của nhân dân, vì vậy cần phải được tôn vinh và bảo vệ.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam là tổ chức xã hội đi tiên phong trong việc bảo vệ cây quý, trong đó vai trò của cộng đồng quyết định đến sự thành công trong việc bảo vệ những cây đã được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”. Việc tổ chức công nhận, vinh danh và gắn bia “Cây di sản Việt Nam” là sự kiện đáng chú ý nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen cây xanh quý hiếm, giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa quốc gia, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có trên 600 cây thuộc 50 loài khác nhau ở hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước được phát hiện và công nhận là cây di sản. Cây được ghi nhận cao tuổi nhất là khoảng 2.100 năm, ở TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cây cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cao trên 70m. Cây đơn thân lớn nhất là cây tùng ở Đắk Lắk có đường kính 6,5m; cây đa ở đền Thượng (Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi 45m…

Đánh giá post