“Vương quốc tỏi” gợi lên trong ta bao cảm xúc về mảnh đất tiền tiêu, nơi gắn liền với truyền thống giữ gìn biển đảo của dân tộc. Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn thu hút du khách bởi thiên nhiên nguyên sơ, bãi biển tuyệt đẹp cùng hàng trăm di tích cổ được bảo tồn nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Bảo tàng chủ quyền biển đảo
Cách đất liền khoảng 30km, nhìn từ xa Lý Sơn như bức tranh thủy mặc khổng lồ với một màu xanh biếc phủ khắp núi non, biển cả và cánh đồng tỏi bạt ngàn… Nhưng điều làm cho huyện đảo nhỏ bé này trở thành điểm đến thiêng liêng trong trái tim của hàng triệu người Việt chính là những di tích sống động về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa từ xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) ra quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quý hiếm và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này. Chủ quyền ấy được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ trai tráng trong những chuyến đi biển không bao giờ trở về.
Đến Âm Linh Tự – di tích cấp quốc gia, nơi thờ phụng các bậc tiền hiền đã có công khai phá đảo và hàng trăm linh vị của binh lính đã hy sinh, tất cả lữ khách đều lặng người vì không khí linh thiêng và rất đỗi thành kính.
Hàng năm, đền tổ chức nhiều lễ cúng tế quan trọng, đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa rất lớn vào tháng 3 Âm lịch, có lịch sử từ hàng trăm năm nay. Ngôi đền còn cất giữ nhiều tài liệu, di vật quý giá về lịch sử hình thành đảo Lý Sơn.
Bên cạnh bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo, Lý Sơn còn sở hữu hàng chục di tích cổ lớn nhỏ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Quần thể đền chùa, miếu, hiện vật bằng đá, gốm sứ Trung Hoa, Chăm, Đại Việt, di chỉ văn hóa Chăm và Sa Huỳnh… là kho tàng phong phú để du khách tìm hiểu thêm những nét đặc sắc của đảo.
Thiên nhiên kỳ vĩ
Hình thành từ vụ phun trào núi lửa hàng triệu năm trước, Lý Sơn mang vẻ đẹp kỳ lạ, độc đáo hơn hẳn so với những hòn đảo khác của Việt Nam.
Chùa Đục nằm trong một hang đá trên núi Giếng Tiền cách mặt biển chừng 80m. Phía Đông chùa có bàn cờ tiên – nơi chư tiên thường xuống đánh cờ. Trước mặt chùa có biển cả bao la, xa xa là đảo Bé xanh mướt.
Chùa Hang còn gọi là Thiên Khổng Thạch Tự nằm dưới chân núi Thới Lới. Hang có nhiều ngóc ngách kỳ thú nên gắn với truyền thuyết “Đường lên Trời – Đường xuống Âm phủ”. Trong hang có những kỷ đá rất đẹp, trước cửa hang là dãy bàng cổ thụ và tượng Quan Thế Âm hướng ra biển, rất lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, vãn cảnh.
Đặc biệt, bạn không thể bỏ qua cổng Tò Vò – vòm cổng bằng đá cao khoảng 2,5m có hình thù ngoạn mục, điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều du khách. Theo các nhà địa chất, cổng hình thành từ nham thạch núi lửa cách đây hàng triệu năm, hoàn toàn không có sự tác động của con người.
Được ca ngợi là “Vương quốc tỏi”, hẳn bạn sẽ choáng ngợp trước những ruộng tỏi tạo thành mảng trắng, vàng đẹp mắt. Nếu đến đây vào mùa thu hoạch, không khí lao động trên cánh đồng luôn rộn vang tiếng cười nói khiến lữ khách cũng vui theo. Ngoài cảnh đẹp, người mê ẩm thực sẽ thưởng thức cua huỳnh đế, cá mú đen, nhum biển, ốc xà cừ hay và món gỏi tỏi đặc biệt đến khó quên.
Đến đảo Lý Sơn, du khách nhớ tìm mua tỏi, đặc biệt là tỏi một (loại tỏi chỉ có một tép). Người dân Quảng Ngãi thường ngâm rượu tỏi một để uống như là phương thuốc quý chữa bệnh. Quảng Ngãi còn có nhiều món ngon khác như chim mía, don (loại hến ở đáy sông), cá bống sông Trà, mạch nha, kẹo gương…