Lý Sơn: Nơi bình minh luôn đến sớm

0
821

Người dân Lý Sơn, nhất là những ngư dân – hùng binh luôn coi Hoàng Sa là phần biển đảo sống còn của mình. Không phải ở đó chỉ có cá, cua, tôm, mực…, mà ở đó là phần đất mà ông cha ta trong đó có người dân Lý Sơn đã tốn biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu để khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

Mới gần 4 giờ sáng mà Lý Sơn đã thức dậy, ánh sáng kỳ diệu của tự nhiên giúp người dân Lý Sơn thấy đường ra đồng. Mùa này dân đang làm đất xuống tỏi, mong được bội thu và giá không rớt, để cho cái Tết Nguyên đán năm nay đầm ấm hơn, vui vẻ hơn. Bởi nông dân (người không đi biển và cũng không có nhiều tiền để đóng thuyền ra biển) chỉ biết dựa vào hai loại cây chủ lực nuôi sống cả nhà là tỏi – hành. Hành năm nay, vụ vừa thu đạt năng suất cao, giá được nên họ đang phấn khởi bước vào vụ tỏi.

Kết quả hình ảnh cho chợ tỏi ở lý sơn

Đi bách bộ thẳng về hướng chùa Hang, hai bên đường là hai “đồng ruộng” không rộng lắm. Nhìn vào những thửa ruộng tôi thấy người dân đang chăm chú trồng tỏi. Rất khác biệt, chắc không đâu trên đất nước này canh tác loại cây tỏi như ở Lý Sơn. Khác bởi đất bazan, khác bởi cát nhưng không phải là cát, mà cát ở đây là xác san hô, đá và sò, ốc… bị sóng biển nghiền nhỏ thành cát trắng phau, mịn màng, lùa tay vào cát có cảm giác mát lạnh.

Để làm nên đặc sản Tỏi Lý Sơn, người nông dân phải nhọc nhằn một nắng hai sương

Đây là loại cát pha đất khá riêng biệt làm cho tỏi Lý Sơn có mùi thơm đặc trưng. Đó là vị cay cay nồng ấm, vị ngọt ngọt khó quên, vị thơm lừng quyến rũ. Đa số người dân Quảng Ngãi khi dùng bữa, hoặc liên hoan, tiệc tùng đều ăn tỏi sống – thường là tỏi Lý Sơn. Để làm nên đặc sản tỏi Lý Sơn, người nông dân rất nhọc nhằn. Đất trồng hành tỏi ba năm phải đảo, tức là gom lớp đất trên mặt lại, đào sâu một nơi để lấy đất từ dưới rồi bỏ đất đã gom vào chỗ đã đào, lấy đất mới đào lên san ra, phả bằng.

Sau đó rải lên trên một lớp cát san hô trắng – cát này trước kia ven bờ có, nay đã hết, dân phải lặn ra sâu hốt lên, hoặc dùng máy hút cát lên thuyền, sau đó đưa vào bờ và chuyển đến đồng tỏi. Nói về cách trồng tỏi cũng ngồ ngộ, thủ công mà khoa học. Sau khi san đất như trên đã nói, độ khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch, khi mưa đã giảm, bão đã yên, nông dân hối hả ra đồng. Công cụ lao động của họ chỉ có một, hai cái cỡ – giống cái cào cỏ nhưng răng nhiều hơn, thường là từ năm đến chín răng, mỗi răng dài độ một gang tay, khoảng cách của 2 răng về chiều ngang (khoảng 5 phân) cũng là khoảng cách của hàng tỏi.

Kết quả hình ảnh cho chợ tỏi ở lý sơn

Một người khỏe, thường là đàn ông kéo cỡ, sau đó các bà với tư thế ngồi và cắm xuống đất từng tép tỏi nhỏ đã tách từ củ. Tưới nước liên tục từ lúc trồng đến trước thu hoạch 10 ngày, nhưng nước ngọt ở Lý Sơn rất thiếu, nhất là ở Đảo Bé – An Bình; hệ thống phun tưới nước mới được áp dụng một phần ở ruộng tỏi làm cho sự nhọc nhằn của người dân giảm phần nào.

Hình ảnh có liên quan

Tỏi Lý Sơn có thương hiệu đã được nhiều người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước biết đến, bởi hương liệu, dược liệu rất đặc biệt. Đặc biệt nhất là tỏi một, loại tỏi “cô đơn” – tép tỏi được trồng một mình (không đẻ), to chỉ bằng ngón tay út. Loại tỏi này rất tốt khi đã bóc bỏ vỏ khô rồi ngâm rượu trắng 45 độ khoảng ba tháng uống có nhiều công dụng.

Kết quả hình ảnh cho chợ tỏi ở lý sơn

Tôi đã dùng, công dụng nhất là đau bụng đi lỏng, máu nhiễm mỡ giảm đáng kể nếu uống đúng cách, ngày một chén nhỏ, uống liên tục trong vòng một tháng. Năm nay, ít mưa, ít gió, mong rằng nông dân Lý Sơn trúng tỏi để có thêm một cái Tết Nguyên đán đầy vui tươi.

Lý Sơn, nơi đầu sóng, ngọn gió đang được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh. Lý Sơn, bình minh luôn đến sớm, với sức sống tràn đầy.

NGUYỄN NGỌC BAN

Đánh giá post