Nghề câu ở đảo Lý Sơn

0
922

Hệ sinh thái vùng biển đảo Lý Sơn là nơi có nhiều loại rong mơ, san hô sinh sống, đây là cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loại hải sản. Hơn nữa, ngoài vùng biển khơi thường có dòng hải lưu nóng lạnh chảy qua nên các loại hải sản sống ở tầng nỗi, tầng trung, kể cả tầng đáy thường quy tụ, làm tiền đề cho ngư dân Lý Sơn phát triển nhiều nghề đánh bắt khác nhau, trong đó có nghề câu. Nghề câu rất đa dạng và có những đặc điểm riêng biệt để đánh bắt các loại cá, mực theo mùa vụ trong năm.

Nghề bủa câu

Nghề bủa câu đi làm quanh năm, người làm nghề này phải sắm một chiếc thúng gắn máy hoặc sà lan, ghe câu nhỏ cùng vài giàn câu. Cấu tạo giàn câu là một đoạn dây cước dài từ 500 – 800m, đây là đoạn dây cái, trên đoạn dây nay sẽ gắn vào các dây câu nhỏ dài 1m, các dây câu cách nhau từ 1 – 1,5m, ở đầu dây câu gắn một lưỡi câu, từng đoạn dây câu chính sẽ gắn vào một cục chì khoảng 3gram. Giàn câu được sắp xếp thứ tự vào một cái thúng câu nhỏ. Mồi câu là cá cơm, cá nục, mực được xắc ra thành từng lác, để ươn cho có mùi hôi, sau đó mới móc mồi vào từng lưỡi. Đi câu thường có từ hai người trở lên để hỗ trợ nhau.

Kết quả hình ảnh cho nghề  bủa câu

Người ta bắt đầu đi bủa câu từ lúc xế chiều, cho ghe chạy ra ngoài vùng gò san hô, nơi tiếp giáp với phía biển khơi sẽ bắt đầu giăng câu, giăng xong ngâm ở dưới nước khoảng vài chục phút thì kéo câu để kiểm tra, chổ nào có cá ăn thì thu lại ướp đá lạnh, hay cho vào túi lưới thít dây lại mà ngâm dưới nước để cá tươi. Nếu mẻ câu đầu tiên không có thì phải di chuyển đến chổ khác để tiếp tục giăng câu. Nghề bủa câu được nhiều loại cá, mực khá đa dạng, chủ yếu là các loại cá sống ở tầng đáy như cá đém, cá hố, cá then, cá mú, cá gáy, chình biển… Nguồn thu từ nghề bủa câu chủ yếu để trang trãi cho cuộc sống hằng ngày.

Nghề câu ống

Ống câu có dạng hình trụ làm bằng xốp để nỗi trên mặt nước cho dễ thấy. Mỗi ống quấn vào một đoạn dây cước dài từ 20 – 25m, đầu dây gắn lưỡi câu có nối vào chùm lông kim tuyến, cách đoạn có thể gắn vào thêm hai, ba lưỡi, gần lưỡi kẹp miếng chì nhỏ. Phương tiện đi câu bằng chiếc ghe nhỏ gắn máy, hay chiếc thúng chai dùng tay chèo, khi ra đến vùng rạn san hô thì dừng lại thả câu, mỗi lần thả cũng vài chục ống hay nhiều hơn, mồi câu là cá, mực nhỏ. Ngâm câu vài ba giờ mới thu câu, lưỡi nào có cá ăn thì gỡ cá cho vào thùng ướp lạnh, thu câu xong sẽ cho ghe chạy đi chỗ khác để tiếp tục thả câu. Nếu được cá nhiều thì về bờ để bán, cũng có khi đi câu đến hai ba ngày mới về. Nghề câu ống giành vào mùa nước êm từ tháng hai trở đi, khi nào biển động thì không đi. Nghề câu ống khá vất vả.

Nghề câu mực lá, mực ống

Nghề câu mực lá, mực ống thường vào những ngày có trăng sáng, những ngày tối trời thì chong đèn để mực thấy ánh sáng mà tìm đến ăn câu. Câu mực thường dùng một ống câu quấn vào một đoạn dây cước khoảng 40m, đầu dây nối với một con tôm bằng gỗ. Con tôm được đẽo bằng gỗ mít sẽ không bị chìm mà lơ lửng ở lưng chừng mựt nước, thân con tôm gỗ được sơn son bằng nhiều loại màu giống con tôm thật, ở đuôi tôm gắn vào rườn câu có nối vào chùm lông kim tuyến nên rất óng ánh.

Kết quả hình ảnh cho nghề câu ống

Người ta dùng thúng chai chèo đi, có thể ghe nhỏ gắn máy và thả câu xuống nước mà dắt đi, khi con mực phát hiện sẽ lao đến ôm thế là bị mắc ngay vào rườn câu là người kéo mực lên. Nghề câu mực là nghề phụ của những người đi biển để kiếm thêm thu nhập chứ ít ai dựa vào nghề này làm nguồn thu nhập chính.

Nghề câu đèn

Trước đây, khi đi câu người ta thắp đuốc để chiếu sáng cho cá, mực quy tụ rồi thả câu, nhưng không tiện nên thay đuốc bằng đèn mang sông, nhưng ngày nay chủ yếu dùng đèn Huỳnh Quang nối với bình ắc qui để thắp sáng. Nghề câu đèn chủ yếu sử dụng thúng chai chèo đi tìm ở những nơi có cá thì thắp đèn lên câu, nếu không có cá thì chèo thúng đi nơi khác. Nghề câu đèn phải có hai ba người để thay nhau chèo thúng. Khu vực câu là ở ngoài khơi cách bờ vài ba hải lý (1hải lý = 1,83km). Đi câu vào lúc 16 giờ chiều, chèo thúng đến nơi có cá ăn phải mất vài giờ đồng hồ. Đi câu đến khi nào trời gần sáng thì về bờ để bán cá. Làm nghề câu đèn khá vất vả, phải thức khuya giỏi, biết được luồng nước chảy, đoán định nơi nào có cá ăn, đây cũng là tri thức dân gian khá độc đáo của người đi biển ở Lý Sơn.

Nghề câu mực nồng vôi

Nghề câu mực nồng vôi cách đây mười năm là nghề khá phổ biến ở Lý Sơn, đây là nghề khá vất vả và nguy hiểm nên ngày nay gần như không còn, nhà nghề đã chuyển sang một số nghề đánh bắt khác như nghề lưới rút chì, lưới trủ, rỗi biển…

Kết quả hình ảnh cho nghề câu mực nồng vôi

Ngày xưa đi câu mực nồng vôi, chủ ghe phải đóng một chiếc ghe loại lớn, chiều dài tầm 15 – 20m, chiều ngang 5 – 7m. Nếu ai có vốn sẽ tự đóng ghe rồi rủ bạn cùng đi hay một số người thân trong Vạn chài sẽ góp vốn để sắm ghe rồi rủ bạn cùng đi. Trên ghe phải gắn máy có mã lực lớn tầm 300CV – 400CV, ngoài ra còn trang bị máy phát điện, máy định vị, máy đàm. Từ đằng trước đến sau cùng chiếc nghe người ta đóng các bộ giàn bằng tre để phơi mực. Biên chế bạn ghe, ngoài tài công phải có từ 10 – 15 người đi cùng, mỗi người trang bị riêng một cái thúng chai, vài giàn câu và những vật dụng cần thiết khác như thuốc men, lương thực.

Phiên biển cho nghề câu mực nồng vôi bắt đầu từ tháng tư đến tháng chín mới trở về. Ngư trường truyền thống chủ yếu là ở các vùng biển Đông của nước ta, nhất là ở khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi ghe chạy đến ngư trường, mỗi người sẽ thả thúng xuống biển, chuẩn bị giàn câu gồm có các ống câu, rường câu, lưỡi, tôm gỗ, đèn mang sông, đen bin, can chứa mực, mì tôm. Bắt đầu câu mực từ lúc mặt trời vừa sập tối cho đến sáng hôm sau mới quay lại ghe sẻ mực, cá ra phơi, xong rồi ăn cơm, nghỉ trưa đến chiều lại chuẩn bị đồ nghề để chuẩn bị câu tiếp.

Nghề câu mực vôi kéo dài khoảng hơn ba tháng, trong phiên biển đó nếu ai may mắn sẽ câu được nhiều, có khi lên đến hàng chục tạ mực khô, đem đi bán kiếm được năm ba chỉ. Cũng có những người câu không được chỉ kiếm được vài tạ mà thôi, có khi góp tiền dầu máy và lương thực cho chủ ghe còn không đủ, thế là lỗ.

Nghề câu mực vôi rất nguy hiểm, tận ngoài biển Đông, lênh đênh trên biển chỉ bằng một cái thúng chai nhỏ, nếu trời ra giông tố, sóng to gió lớn bất ngờ, khi chèo thúng về ghe không kịp, lỡ chìm thúng, gấp dầm, bỏ mạng trên biển cũng là lẽ thường tình. Cho nên, vì nhu cầu đời sống kinh tế họ mới quyết tâm làm như vậy. Dân gian trên đảo vẫn còn nhớ đến câu thơ sau:

Tôi viết bài thơ kể chuyện người câu mực
Kể lại nỗi khổ cực của cảnh ngư dân
Ngày ra đi trong tác dạ bâng khuâng
Xem mạng sống như đèn treo trước gió
Mỗi chiếc thúng với cây dầm nho nhỏ
Thả bồng bềnh trên mặt biển Đông
Cũng có khi bão táp tố giông
Vớt không kịp cũng có người siêu bạc
Rủi chìm thúng gấp dầm là phận bạc
Thân làm mồi cho cá mập đương nhiên…

Nghề câu cần

Nghề câu cần rất thông dụng ở Lý Sơn, vì nhẹ nhàng, chi phí sắm cần câu không tốn bao nhiêu. Người ta chủ yếu dùng một thanh tre dài khoảng 2m, đầu cần nối dây cước khoảng 4m, đầu dây cước gắn vào chiếc rườn câu. Mồi câu chủ yếu là cám, cơm giã nhuyễn để tóm vào, sau đó thả xuống biển cho cá tập trung lại ăn, rồi giật cần cho cá xóc vào lưỡi là kéo lên.

Kết quả hình ảnh cho người câu cá Lý Sơn

Câu cần chủ yếu để giải trí, kiếm vài con cá để ăn. Người ta đi câu cần có thể ra cảng tàu hay ra vùng rạn san hô nơi có mực nước nông để thả câu, cá câu được cho vào giỏ tre đeo bên hông.

Đánh giá post