Tại lễ khao thề thế lính Hoàng Sa ngay sau lễ cúng tế, những chiếc thuyền giấy đặt hình nộm để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa được thả xuống biển trong một nghi thức trang trọng và linh thiêng.
Nguồn gốc sâu xa của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.
Trong ảnh là lễ cúng thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh, Lý Sơn
Theo quan niệm của nhân dân, đội Hoàng Sa khi làm nhiệm vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về, nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng giấy hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.
Về sau, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ của mình để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn. Trong ảnh là cảnh sau lễ nhập hồn, những con thuyền được lính phu khiêng ra biển.
Ngày nay, lễ thả thuyền sau khi cúng tế là một nghi lễ trang trọng, không thể thiếu trong lễ khao thề thế lính Hoàng Sa. Hàng trăm người đứng dõi theo đoàn thuyền ra biển Hoàng Sa.