Ngày ngày ông Hên vẫn rong ruổi trên vùng quê ở Lý Sơn, ven biển Quảng Ngãi để trang trí cho ghe đua; phục hồi, tôn tạo một số công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển. Đã 32 năm gắn bó với nghề, ông được nhiều nơi “cậy nhờ” tài năng vẽ, trang trí của mình.
“Thuyền của ông Hên vẽ… hên lắm!”
Lý Sơn, mảnh đất yên bình mà ông Bùi Thanh Hên, 53 tuổi, sinh ra và lớn lên. Từ cái thuở lót tót cùng cha theo người dân trong làng ra dọc bờ biển để xem lễ hội đua thuyền, ông Hên đã hết sức ấn tượng với màu sắc, hình thù bắt mắt trên những chiếc thuyền đua.
Trong suy nghĩ của ông lúc đó, nó khác biệt với chiếc thuyền cha đi đánh cá ở nhà. Chỉ cần quan sát vài lần, ông Hên không quên “thử nghiệm” những nét vẽ mình từng lưu lại trong trí óc vào chiếc thuyền của cha, hay bất cứ đâu ông có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Ông Hên yêu nghề vẽ từ đó. Năm học cấp ba, ông đã có thể tự mưu sinh, kiếm tiền đi học bằng công việc vẽ chân dung Bác Hồ; vẽ bàn thờ cúng cho người dân địa phương; vẽ tranh tường, dựng hòn non bộ cho các quán cà phê, vẽ bảng hiệu quảng cáo.
“Khi lớn lên, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng tôi vẫn ấp ủ thi vào Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, nuôi giấc mơ gắn bó với nghề một cách chuyên nghiệp. Giấc mơ trở thành hiện thực, tôi trở về quê hương, góp phần gìn giữ những bản sắc văn hoá mà ông cha ta đã để lại”, ông Hên bày tỏ lý tưởng của mình khi đó.
Lý Sơn là nơi có hoạt động đua thuyền tứ linh diễn ra thường xuyên, sôi nổi vào những dịp Tết, lễ hội. Đây là nét sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng biển. Thế nhưng, số lượng người vẽ thuyền đua bây giờ chỉ còn vài người. Những người như ông Hên vừa có năng khiếu, kinh nghiệm, am hiểu tường tận kiến thức về văn hóa Lý Sơn càng hiếm hơn.
Vì thế, trước khi lễ hội đua thuyền diễn ra khoảng hai tháng, để có một trong những con tứ linh “Long- Lân- Quy- Phụng” độc đáo nhất, các đội đua đều tranh thủ đặt hàng ông Hên. Với mỗi con thuyền làm ra ông Hên nhận về gần 40 triệu trồng. Không tính tiền công làm thuyền, chỉ riêng thiết kế, thi công đầu, đuôi linh vật, vẽ và trang trí thuyền đã chiếm khoảng 25 triệu đồng. Trừ chi phí, ông kiếm lại tiền công cũng được hơn 10 triệu.
Kinh phí để làm một con thuyền đua là không ít. Tuy nhiên nhiều người vẫn “hào phóng” đặt hàng. Nếu không thưởng thêm, họ cũng chẳng muốn trả giá. Họ cảm nhận được ông làm bằng cả cái tâm, tài của một người con Lý Sơn dành cho quê hương mình. Quả thật, riêng về cái tài, ông luôn khiến mình nổi bật, khác biệt hơn người khác để thay đổi mẫu mã mỗi năm, tạo cảm hứng cho các “tay” đua.
“Thuyền của thằng Hên vẽ… hên lắm đấy! Năm nào nhờ nó làm và trang trí, năm đó chúng tôi đều hy vọng đội mình sẽ thắng. Bởi vì chúng tôi tin tưởng vào tay nghề của nó, thể hiện đúng được hình thù, thần thái linh vật mà các đội mong muốn. Mười người thì có hết chín người gửi gắm vào thằng Hên nên chúng tôi đều tranh thủ, chứ Hên bận quá lại không có thời gian làm”, cụ Phạm Quang Ri, xã An Vĩnh cho biết.
Trong các linh vật của tứ linh, ông Hên thích nhất là vẽ rồng vì khó nhất. Để làm nên “hồn cốt” cho một con rồng không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Quan sát từng chi tiết, họa tiết sắc sảo, sự phối hợp ăn ý giữa những sắc màu rực rỡ vàng, xanh, đỏ, hồng trên thuyền từ đầu, đuôi linh vật đến thân thuyền mới thấy được sự công phu, tài hoa của người thợ vẽ như ông Hên. Nhìn ông “múa” bút mà có thể tưởng tượng cảnh con rồng đang bay lượn trên sóng nước, mây trời.
Gìn giữ tinh hoa của cha ông
Kết thúc lễ hội đua thuyền hằng năm, nhiều người thường gặp ông Hên rong ruổi trên những con đường ven biển ở đất liền trên chiếc xe cũ kỹ. Ông bảo rằng, một năm ông dành sáu tháng cho biển đảo, sáu tháng còn lại dành cho đất liền.
Ngoài làm thuyền đua, ông Hên còn nhận nhiều “show” thi công, trang trí các công trình kiến trúc cổ như: dinh, miếu có quy mô lớn cho cư dân Lý Sơn; cư dân ven biển Quảng Ngãi ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ… và nhiều tỉnh thành khác như Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Hà Nội. Nhiều công trình có kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Ở cái thời của ông, công nghệ thông tin không phát triển như bây giờ. Việc cầm điện thoại để lưu mẫu mã hay lên mạng tham khảo là chuyện xa vời. Nhưng cũng chính vì thế đã luyện cho ông khả năng quan sát và ghi nhớ hình ảnh, luôn có những ý tưởng mới, phục vụ cho nghề.
“Giống như đi hát cải lương, mình phải thay đổi vở hát liên tục thì mới cho khán giả thấy được cái tài của mình và sự mới mẻ của người nghệ sĩ. Nghề vẽ cũng vậy, nếu chỉ biết sao chép từ người khác thì mình không phải là họa sĩ, mà là một người thợ bình thường mà ai cũng có thể làm được”, ông nói.
Vì thế mà mọi công đoạn để làm thuyền đua hay khôi phục công trình kiến trúc, ông đều cố gắng làm thủ công, từ kết cấu rường cột, mái ngói đến những chi tiết nhỏ nhất như đắp cốt tạo hình thù linh vật rồng phượng, vẽ hoa lá và trang trí mà không cần đến một công cụ hỗ trợ nào khác.
Theo ông, chỉ có làm bằng thủ công mới truyền tải được hết vẻ đẹp cổ kính, mềm mại, trang nghiêm của các chi tiết cổ trong hoa văn kiến trúc xa xưa của cha ông, nó khác biệt so với những kiến trúc hình khối hiện đại trên máy tính bây giờ. Đó là hành động thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đã sáng tạo ra những giá trị cả về vật chất, lẫn tinh thần.
Đã 32 năm ông gắn bó với nghề. Công việc này khá vất vả nhưng ông hết sức vinh dự và tự hào vì được mọi người tin tưởng, gửi gắm. Hơn cả hết, đó là niềm vinh dự gần cả cuộc đời mà ông theo đuổi trong việc giữ gìn, góp phần quảng bá và giới thiệu cho nhiều người biết đến những tinh hoa kiến trúc nghệ thuật độc đáo của Lý Sơn nói riêng và cư dân ven biển Quảng Ngãi nói chung.