Huyện Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi gồm 2 đảo: đảo Lớn và đảo Bé. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo Bé).
Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ ngót 30km, với diện tích gần 10km2 và là nơi định cư của hơn 20.000 dân.
Lý Sơn là một hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc giữa Biển Đông, là nơi rất gần với Hoàng Sa và Trường Sa.
Giữa tháng 3-2009, dòng họ Đặng của đảo Lý Sơn, một dòng họ chuyên sống bằng nghề biển đã cống hiến cho Nhà nước Tờ lệnh điều động ngư dân Lý Sơn, xung lính đội Bắc Hải để đi ra Trường Sa, Hoàng Sa, canh giữ biển trời Tổ quốc. Đây là một Tờ lệnh, được dòng họ Đặng lưu giữ 175 năm, qua 6 đời, tại nhà thờ họ tộc. Vì vậy mà con cháu họ Đặng đã coi Tờ lệnh như là báu vật thiêng liêng và giữ gìn qua nhiều thế hệ. Giờ đây, Tờ lệnh đã trở thành tài sản quốc gia, được Nhà nước lưu giữ, sử dụng như là một bằng chứng lịch sử hiển nhiên khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước.
Sự kiện ngư dân đảo Lý Sơn xung lính trong hải đội Bắc Hải để tuần tra canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa được mô tả đậm nét trong rất nhiều văn kiện lịch sử: Trong một tài liệu viết năm 1768, Đô đốc người Pháp tên là D’Estaing, người nhận nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch tấn công nước ta lúc đó đã viết rằng: “Việc đi lại giữa các quần đảo Paracel (Hoàng Sa) và đất liền còn khó khăn hơn việc đi lại giữa biển khơi.
Thế mà các thuyền nhỏ của xứ này thường qua lại vùng quần đảo”. Trong Phủ biên Tạp lục (1776) Lê Quý Đôn ghi rõ: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh (đảo Lý Sơn) sung vào, cắt phiên, mỗi năm, cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày, 3 đêm thì đến đảo”… Tất cả các nguồn tư liệu đều khẳng định quê của lính đảo Hoàng Sa năm ấy phần lớn thuộc xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Minh chứng cho điều này, ngày nay dân đảo Lý Sơn còn duy trì một lễ hội truyền thống vào tháng 3 hàng năm gọi là “Lễ khao lề thế lính” nhằm tôn vinh sự cống hiến hy sinh và cầu chúc cho hương hồn lính đảo Hoàng Sa – Trường Sa bất tử. Theo các tài liệu lịch sử và các nhà nghiên cứu, đây là lễ hội có cội nguồn từ hơn 300 năm trước đây. Hàng năm, dân đảo Lý Sơn tuyển chọn con em mình cho đội Bắc Hải đi Hoàng Sa, Trường Sa. Phần lớn, đây là những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Vì thế, giờ chia tay lên đường làm nghĩa vụ quốc gia cũng là lúc vĩnh biệt người thân. Dân đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính để đưa tiễn con em mình tòng quân, đồng thời cũng là lễ tế những người đã hy sinh. Nơi diễn ra hàng trăm cuộc chia ly xúc động đó chính là Đình An Vĩnh. Theo lệnh vua, trước lúc lên đường ngoài vũ khí, lương thực, phương tiện đi biển, mỗi người lính còn được cấp 2 chiếc chiếu, 7 sợi dây mây, 7 thanh tre và một thẻ bài ghi tên tuổi, quê hương, đơn vị của người chiến sĩ. Phòng khi bất trắc, rủi ro, đồng đội sẽ bó xác người xấu số, kèm theo thẻ bài và thả trôi trên biển.
Hy vọng mong manh sóng gió sẽ đưa được hài cốt người chiến sĩ trôi dạt vào đất liền, tại một miền quê nào đó, để được nhân dân cưu mang, an táng trong lòng đất Mẹ.
Mãi đến bây giờ, trong nỗi niềm của người dân đảo Lý Sơn vẫn còn vang vọng những câu ca bi tráng:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa
Hoàng Sa đi có về không
Lệnh Vua sai phải quyết lòng ra đi

Đánh giá post